MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công tác tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan vẫn đang tiếp tục. Ảnh: TL

Chạy đua với thời gian tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích

HÀ LIÊN LDO | 24/11/2017 14:54
Một lực lượng đa quốc gia đang chạy đua với thời gian để tìm tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích suốt tuần qua với hy vọng ngày càng mong manh khi lượng ôxy trên tàu nhiều khả năng cạn kiệt. Vụ mất tích đặt ra nhiều câu hỏi về sự chậm trễ trong việc thông tin cũng như việc đầu tư cho ngân sách quân sự ở quốc gia Nam Mỹ này.

“Giai đoạn sống còn”

Tàu ngầm chở 44 thủy thủ đoàn, trong đó có nữ sĩ quan tàu ngầm đầu tiên của nước này, đã mất tích khi di chuyển từ cảng Ushuaia về căn cứ hải quân tại Mar del Plata với lần liên lạc cuối cùng là 7h30 ngày 15.11. Tàu nổi lên tại khu vực vịnh San Jorge, khoảng 434km về phía đông nam bán đảo Valdes, tỉnh Chubut.

Cho tới nay, nếu tàu đang lặn dưới nước, chìa khóa cho sự tồn tại của thủy thủ đoàn là hệ thống ôxy trên boong. Các quan chức cho biết, trừ phi có thể tiếp cận nguồn bổ sung, lượng ôxy trên tàu ARA San Juan có thể duy trì tối đa bảy ngày và giới hạn này đã kết thúc hôm 22.11. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các thủy thủ có thể có ôxy tới 10 ngày. Do đó, cuộc tìm kiếm San Juan được coi là bước vào “giai đoạn sống còn”.

Theo CNN, 11 nước tham gia tìm kiếm tàu ngầm mất tích của Argentina trong đó có Nga, Brazil, Chile... Tờ Los Angeles Times cho hay, 17 máy bay, 15 tàu triển khai tìm kiếm ở phía nam Đại Tây Dương trong phạm vi hơn 480.000km2. Căn cứ triển khai tìm kiếm được đặt tại thành phố Comodoro Rivadavia với hơn 4.000 quân nhân đa quốc gia. Hải quân Mỹ cung cấp một máy bay P-8 Poseidon và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cho mượn một chiếc máy bay có khả năng phát hiện các tàu ngầm dưới hoặc trên mặt nước.

Mỹ cũng đã gửi một buồng cứu hộ có người lái có khả năng chìm xuống độ sâu 259m cũng như các phương tiện dưới nước không người lái như thiết bị không người lái (UUV) Bluefin 12D có thể tìm kiếm trong lòng đại dương bằng cách sử dụng công nghệ định vị bằng sóng âm…

Hiện công tác tìm kiếm đang diễn ra trong điều kiện thời tiết xấu. Ngoài ra, tàu ngầm vốn được xây dựng để không bị phát hiện bởi thường tham gia vào các hoạt động bí mật và đặc biệt khó phát hiện hơn khi một số hệ thống của nó bị vô hiệu hóa. Do đó, một chuyên gia tác chiến chống tàu ngầm và cựu chiến binh của Hải quân Mỹ nói với The Aviationist rằng, việc định vị tàu ngầm sẽ “giống như mò kim đáy bể”.

Những câu hỏi đặt ra

Trước khi mất liên lạc, thuyền trưởng Pedro Martin Fernandez báo cáo tàu gặp sự cố do ắc quy. Tuy nhiên, 5 ngày sau vụ mất tích, Argentina mới công bố thông tin này. Trước chỉ trích về sự chậm trễ, phát ngôn viên quân đội cho biết, họ không thông báo bởi sau đó thuyền trưởng báo cáo đã khắc phục được sự cố.

ARA San Juan - tàu ngầm điện diesel lớp TR-1700 do Đức sản xuất năm 1983 và chuyển giao cho Argentina năm 1985. Tàu được bảo dưỡng ở Argentina năm 2008 và được tách đôi để thay thế động cơ và ắc quy trong đợt tân trang lại với chi phí 12 triệu USD năm 2014.

Rockford Weitz - Giám đốc của chương trình nghiên cứu hàng hải của Trường Fletcher tại ĐH Tufts - nhận định, việc tân trang rất khó vì liên quan đến các hệ thống tích hợp của các nhà sản xuất khác nhau. “Cái giá phải trả cho những sai lầm dù nhỏ nhất trong giai đoạn tách đôi của quá trình này là rất lớn, đe doạ đến sự an toàn và tính mạng của thủy thủ đoàn” - ông chia sẻ với AP.

Việc chiếc tàu ngầm dài 60m mất tích làm dấy lên câu hỏi về việc thu hẹp ngân sách, giảm thời gian đào tạo mà lực lượng vũ trang Argentina phải đối mặt từ đầu những năm 1980. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 1982, chi tiêu quân sự của Argentina giảm từ 2,16% GDP xuống 0,87% trong năm 2011. Mặc dù tăng lên 0,96% GDP năm ngoái, nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước láng giềng như Brazil (1,3%) và Chile (1,9%).

Hạm đội tàu ngầm của Argentina bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc thiếu ngân sách. Năm 2014, hạm đội chỉ có 19 giờ lặn dưới nước, con số rất nhỏ so với 190 ngày “để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tác chiến và huấn luyện”. Trong một báo cáo chính thức năm 2016 ghi nhận, 70% ngân sách Bộ Quốc phòng dành cho tiền lương và lương hưu hơn là đầu tư trang thiết bị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn