MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cháy Nhà thờ Đức Bà: Người Việt tại Paris chung nỗi tiếc nuối

Vũ Quỳnh Mai LDO | 17/04/2019 11:17
Khi thảm kịch cháy Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra, những người Việt sinh sống ở Pháp cũng bàng hoàng tiếc nuối, như bất cứ một người dân nào trên đất Paris.

Notre Dame không chỉ là một biểu tượng, một thánh đường tôn giáo nữa, mà trong lòng nhiều người, nó là biểu tượng của Paris. Không phải tháp Eiffel sừng sững, mà chính Nhà thờ Đức Bà sừng sững uy nghi mới là chứng tích lịch sử, là đại diện của một Paris cổ kính xưa cũ, giữa dòng sông Seine. Vậy nên, cũng thật dễ hiểu khi người ta thấy đau lòng, xót xa đến thế, khi cơn lửa cuồng nộ rừng rực thiêu đốt Notre Dame trong cả một buổi tối. Với những người sống ở Paris, ngày ngày hít thở bầu không khí ấy, nỗi đau còn thật hơn rất nhiều.

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris khiến cả thế giới bảng hoàng.

Paris là mảnh đất lành, rất nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở đây. Thành phố này rất lạ, khiến người ta vừa giận vừa yêu, rồi khi nhận ra, con tim đã đập chung nhịp đập với dòng sông Seine, với những tòa nhà rêu phong, với từng con phố tự khi nào. Vậy nên, khi thảm kịch xảy ra, những người con xứ Việt tha hương, cũng bàng hoàng tiếc nuối, như bất cứ một người dân nào trên đất Paris.

Nhưng, người Paris nói với nhau rằng, nhà thờ này từng đứng vững trước cả quân phát xít trong thế chiến thứ hai, không lý nào nó lại dễ dàng bỏ chúng ta mà đi như thế. Khi ngọn lửa vẫn đang rừng rực cháy, các giáo dân trên khắp Paris đã đi đến các nhà thờ và cùng nhau đồng lòng cầu nguyện, cho Notre Dame, và cho sự bình yên của những người lính cứu hỏa.

Người dân Paris cầu nguyện khi chứng kiến vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris.

Giờ đây, khi tai họa đã qua, người dân Paris, trong đó có có người Việt Nam đứng sát vai cùng nhau hát thánh ca, nguyện cầu cho những gì đã mất đi, những gì còn lại, và cho tương lai trùng tu từ tro tàn của ngọn tháp và mái vòm, từ những khoảng cháy ám đen của tháp chuông.

Những người bạn của tôi, ngày ngày đi học đi làm bằng RER B, chỉ nghe chất giọng đều đều thông báo tàu qua ga Saint Michel Notre Dame thôi, cũng thấy thân thương. Ngày hôm nay thì khác, tàu không dừng ở Notre Dame nữa, người ta thông báo đóng cửa bến tàu để phục vụ cho công tác cứu hộ, và đảm bảo an toàn… Chúng tôi nghe xong, thấy lòng cũng hẫng đi một khoảng.

Một góc phố của Paris.

Chẳng phải những con chiên công giáo, với chúng tôi, Notre Dame vừa là một công trình của quá khứ, của lịch sử, lại vừa là ngọn tháp, mái vòm gần gũi thân thương. Đấy là nơi chúng tôi chụm chân đứng chụp ảnh với mốc số 0 để tính khoảng cách từ Paris tới bất cứ đâu. Đấy là nơi chúng tôi hẹn nhau một buổi chiều hè mang bia xuống bờ sông Seine lộng gió, ngồi ngắm tàu du lịch chạy qua, rồi chỉ trỏ ngợi khen mái vòm mấy trăm năm tuổi, là những buổi đi bộ đến mỏi gối chùn chân, dắt díu nhau vào Quartier Latin ăn một bữa ăn trọn vẹn menu 10 euro, rồi xếp hàng trước cửa Amorino, mua 1 cây kem ốc quế hình bông hoa hồng, vừa đi vừa nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, bất giác ngước lên ngắm hai ngọn tháp.

Chúng tôi vẫn thường đùa nhau rằng, đặc sản của Paris là những cây cầu, và Notre Dame nằm trên một hòn đảo giữa dòng sông Seine, lại là thứ dễ thấy nhất từ những cây cầu ấy. Tôi biết một bạn sinh viên tên là Quang Anh, như bất cứ sinh viên Việt Nam nào trên đất Pháp, cậu ấy đi làm thêm để trang trải cuộc sống xa nhà, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nơi Quang Anh làm là một quán bánh crepe xinh xắn lâu đời của một gia đình người Pháp truyền thống.

Ngày ngày, cậu ấy đi bộ từ bến Metro, qua Pont Marie (Pont có nghĩa là cây cầu), để tới quán bánh crepe trên đường Ile Saint Louis. Mỗi lần đi qua, Quang Anh đều dừng lại, tựa mình lên thành cầu, phóng mắt về phía Nhà thờ Đức Bà, hít một hơi thật sâu làn hơi  nước từ sông Seine, tự thưởng cho mình một khoảnh khắc hòa vào với Paris, để sẵn sang cho một ca làm việc bận rộn luôn chân tay.

Bạn gái của Quang Anh là Trang, cô sinh viên ấy hết giờ làm thêm trước, sẽ đi metro tới đứng đợi người yêu ở trên cầu, rồi đôi bạn trẻ nắm tay nhau thong thả vừa đi vừa chuyện trò, vô thức len lỏi khắp các góc phố khu Saint Michel…, nơi đâu cũng thấy thấp thoáng bóng mái vòm cổ kính. Quang Anh bảo, cậu ấy thích chụp Trang với Notre Dame, hai điều thân thương nhất, quen thuộc nhất với cậu ấy ở Paris.

Trang và Notre Dame qua ống kính của Quang Anh.

Dường như ở Paris, chúng ta sống chậm hơn, và rung động sâu hơn thì phải, bởi khi giật mình nhìn lại chúng tôi thấy mình đã gắn bó quá nhiều với nơi đây. Như Nhà thờ Đức Bà kia, tưởng như chỉ là một khối kiến trúc… hóa ra lại chiếm lấy nhiều khoảng trống đến thế trong tim ta.

Nhưng cũng bởi thế, nên chúng tôi có lòng tin, rằng Notre Dame sẽ không thể nào suy sụp, giống như Paris mãi mãi tươi đẹp trong lòng người Paris. Đến thời điểm này, số tiền quyên góp được để tu bổ lại Nhà Thờ đã lên tới gần cả tỉ euro, đến từ người dân, từ các tỷ phú, các tổ chức, công ty… ai cũng lo lắng, cũng xót thương cho Notre Dame, cho Paris.

Đó chẳng phải là một điều đáng mừng sau tai họa sao? Di sản là tĩnh, nhưng yêu thương và hy vọng là thứ lớn lên từng ngày. Thảm kịch qua đi, những gì còn lại ở Paris không phải nắm tro tàn, mà là tình yêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn