MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cháy rừng Australia gây thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: NYT

Cháy rừng Australia: Những điều tồi tệ hơn vẫn còn phía trước

Ngọc Vân LDO | 21/01/2020 10:14
Mặc dù Australia đang trải qua một trong những năm cháy rừng tồi tệ nhất từ trước đến nay, song giới chuyên gia cho rằng những điều tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước.

Thích ứng và phục hồi

Cuộc khủng hoảng cháy rừng năm nay đã gia tăng sức ép lên Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison phải hành động hơn nữa để chống biến đổi khí hậu sau khi Australia đã giảm bớt cam kết với Thoả thuận Khí hậu Paris vào năm ngoái.

Hồi đầu tháng, hàng nghìn người biểu tình Australia đã đổ xuống đường phản đối chính phủ không có hành động chống biến đổi khí hậu để ngăn cháy rừng, buộc Thủ tướng Morrison phải lên tiếng, bắt đầu nói về “sự thích ứng” và “khả năng phục hồi”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cháy rừng tàn phá nghiêm trọng bang New South Wales trong tháng 12 vừa qua, ông Morrison vẫn tránh nhắc về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và cháy rừng, cho rằng đây không phải là thời điểm phù hợp cho những cuộc thảo luận như vậy. 

Ông Morrison nói với đài phát thanh Sydney 2GB rằng, thật đáng thất vọng khi mọi người gắn cuộc khủng hoảng cháy rừng với các mục tiêu giảm phát thải của Australia.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù lập trường hoà dịu hơn của ông Morrison là đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi liệu thái độ ấy có dẫn đến một chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn hay không khi những vùng đất rộng lớn của Australia vẫn đang tiếp tục cháy.

Cường độ và quy mô của cuộc khủng hoảng cháy rừng ở Australia kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay là chưa từng có. Hơn 10 triệu ha đất đã bị đốt cháy, 28 người thiệt mạng, hơn một tỉ động vật bị nghi đã chết và khoảng 2.000 ngôi nhà bị phá hủy. Nhưng theo các chuyên gia, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, những đợt cháy ngày càng cực đoan hơn khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn trên lục địa khô.

Một chiếc xe cháy trơ khung trong cháy rừng ở bang New South Wales, Australia. Ảnh: CNA
Ưu ái ngành than

Một cuộc thăm dò của Viện Australia hôm 15.1 cho thấy, cuộc khủng hoảng cháy rừng đã làm gia tăng lo ngại về biến đổi khí hậu. Cứ 10 người Australia thì 7 người muốn chính phủ dẫn đầu hành động về khí hậu. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison vẫn tiếp tục ủng hộ ngành than.

“Công nghiệp tài nguyên của chúng ta cực kỳ quan trọng với đất nước” - ông Morrison nhắc lại hôm 15.1 và nói thêm rằng than “đem đến cho Australia 48 tỉ USD và rất quan trọng với các cộng đồng trên khắp cả nước”. Công việc khai thác mỏ chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số việc làm trong cả nước, rất nhỏ so với các ngành xây dựng, bán lẻ, y tế và du lịch.

Ông Morrison lặp lại rằng, chính phủ sẽ đạt mục tiêu giảm 26% lượng khí phát thải như đã nhất trí tại Paris mà không tăng thuế với người dân và không tăng giá điện. Đảng Lao động đối lập đề xuất mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí phát thải, nhưng theo ông Morrison, mục tiêu này có thể kéo theo việc tăng giá điện. Các nhà khoa học và khí hậu học cho biết 26% cũng là mục tiêu quá thấp. 

Trong khi đó, Australia, vốn chiếm 1,3% phát thải carbon toàn cầu, đã bền bỉ bán than cho toàn cầu và có nhiều chính sách bảo hộ ngành than. Năm ngoái, nước này đã phê duyệt một dự án khai thác mỏ than mới khổng lồ cho Công ty Adani Enterprises của Ấn Độ.

"Tị nạn khí hậu"

Nhà khí hậu học và nhà địa vật lý Mỹ Michael Mann nói với Reuters rằng, lập trường của ông Morrison là “tức cười”. Theo ông Michael Man, trên thực tế Australia có thể trở nên ngày càng nóng và khô đến mức người dân nước này có thể phải đi “tị nạn khí hậu”.

Theo giáo sư Mark Howden, Giám đốc Viện biến đổi khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ ở Australia năm 2019 đã tăng hơn 2 độ so với đường cơ sở 1960-1990. Và các dữ liệu đã chỉ ra nhiệt độ ở Australia ngày càng nóng lên; điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy những thứ như hỏa hoạn cực độ.

Giáo sư Howden nói rằng, sẽ không có thời gian để làm quen với môi trường nóng và khô hơn này. Các hệ thống thời tiết dữ dội hơn, kéo dài hơn và gây thiệt hại lớn hơn sẽ tiếp tục.

“Khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang ở đỉnh điểm của biến đổi khí hậu, thì những điều tồi tệ mới sẽ xảy ra, nếu chúng ta không có những hành động cấp bách trước khi quá muộn” - Giáo sư Howden nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn