MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chi nhánh IS đánh bom đẫm máu ở Afghanistan nguy hiểm cỡ nào?

Ngọc Vân LDO | 27/08/2021 19:17
Chi nhánh IS thực hiện vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan hôm 26.8 là một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm trên toàn cầu.

Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở tỉnh Khorasan (ISK), còn được gọi là ISIS-Khorasan hoặc ISIS-K, hợp nhất 6 năm trước, và nhanh chóng phát triển thành một trong tổ chức khủng bố nguy hiểm trên toàn cầu, theo AP.

Bất chấp nhiều năm bị liên quân do Mỹ đứng đầu nhắm mục tiêu quân sự, ISK vẫn sống sót để thực hiện một cuộc đánh bom đẫm máu khi Mỹ và các đối tác NATO rút khỏi Afghanistan và khi Taliban trở lại nắm quyền, khiến ít nhất 13 lính Mỹ và 95 dân thường Afghanistan thiệt mạng, hàng chục người bị thương.

Mặc dù bản thân ISK bị tổn thất nặng nề, nhưng tổ chức này vẫn đang nắm giữ kỷ lục về các cuộc tấn công chết người.

ISK là gì?

Chi nhánh của IS ở Trung Á nổi lên trong vài tháng sau khi các chiến binh nòng cốt của nhóm này càn quét khắp Syria và Iraq, tạo ra một nhà nước Hồi giáo tự xưng vào mùa hè năm 2014. Ở Syria và Iraq, chúng đã khét tiếng trong nước và quốc tế sau 5 năm tấn công để quay trở lại đế chế.

Chi nhánh IS tại Afghanistan lấy tên từ tỉnh Khorasan, một khu vực bao gồm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Iran và Trung Á vào thời Trung cổ. Nhóm này còn được gọi là ISK, hoặc ISIS-K.

Chiến binh ISK là ai?

Nhóm này bắt đầu với hàng trăm chiến binh Taliban người Pakistan, những người đã tị nạn qua biên giới Afghanistan sau khi bị đẩy khỏi quê hương trong các chiến dịch quân sự. Những phần tử cực đoan khác, cùng chí hướng tham gia với chúng ở đó, bao gồm cả các chiến binh Taliban Afghanistan bất mãn với lực lượng Taliban ôn hoà.

Khi Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ trong những năm gần đây, một nhóm Taliban bất mãn ngày càng chuyển sang IS nhiều hơn. Hầu hết đều thất vọng vì Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán với Mỹ vào thời điểm cho rằng phong trào này đang trên đà tiến tới một chiến thắng quân sự.

Nhóm này cũng đã thu hút được một lượng lớn chiến binh từ Phong trào Hồi giáo của nước láng giềng Uzbekistan; các chiến binh từ tỉnh Hồi giáo Sunni duy nhất của Iran...

Nhiều phần tử bị thu hút bởi hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của IS, bao gồm cả những lời hứa về một vương quốc Hồi giáo để thống nhất thế giới Hồi giáo, một mục tiêu không bao giờ được Taliban tán thành.

Điều gì khiến ISK trở thành mối de doạ hàng đầu?

Trong khi Taliban giới hạn cuộc chiến ở Afghanistan, nhóm IS ở Afghanistan và Pakistan đã chấp nhận lời kêu gọi của IS về một cuộc thánh chiến trên toàn thế giới chống lại những người không theo đạo Hồi.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CISS) ghi nhận hàng chục cuộc tấn công mà các chiến binh IS đã thực hiện nhằm vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan, bao gồm cả người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số, cũng như hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Afghanistan, Pakistan và Mỹ kể từ tháng 1.2017. Mặc dù nhóm này vẫn chưa tiến hành các cuộc tấn công ở Mỹ, nhưng Chính phủ Mỹ tin rằng chúng là mối đe dọa kinh niên đối với các lợi ích của Mỹ và đồng minh ở Nam và Trung Á.

Quan hệ giữa ISK và Taliban

ISK và Taliban là kẻ thù. Taliban đã tiến hành các cuộc tấn công lớn, có phối hợp chống lại nhóm ISK ở Afghanistan. Các phần tử nổi dậy của Taliban đôi khi đã tham gia cùng với cả quân đội chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn để đánh đuổi IS ra khỏi các vùng phía đông bắc của Afghanistan.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với AP trước đây rằng, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm kiếm thỏa thuận rút quân năm 2020 với Taliban một phần là hy vọng hợp lực với họ chống lại IS. Chính quyền ông Donald Trump coi nhóm này là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ.

Nguy cơ hiện tại

Ngay cả khi Mỹ có quân đội, máy bay và máy bay không người lái vũ trang ở Afghanistan để theo dõi và tấn công IS, các chiến binh IS vẫn có thể tiếp tục các cuộc tấn công mặc dù phải chịu hàng nghìn người thương vong - Amira Jadoon và Andrew Mines lưu ý trong một báo cáo cho Trung tâm Chống Khủng bố của Học viện Quân sự Mỹ West Point.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan làm giảm năng lực tấn công ở Afghanistan, cũng như làm suy yếu khả năng theo dõi IS và các kế hoạch tấn công của tổ chức này. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng IS chỉ là một trong nhiều mối đe dọa khủng bố mà Mỹ đang đối phó trên toàn cầu. Giới chức Mỹ cho rằng có thể đối phó IS nhờ vào thông tin tình báo và quân sự ở các quốc gia vùng Vịnh, trên tàu sân bay hoặc các địa điểm khác xa hơn.

Một trong những lo ngại lớn nhất của Mỹ về việc rút các lực lượng tham chiến của mình sau hai thập kỷ là Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban một lần nữa trở thành nam châm và cơ sở cho các phần tử cực đoan âm mưu tấn công phương Tây.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với CNN cuối tuần trước rằng, mối đe dọa này là điều mà “chúng tôi đang tập trung vào, với mọi công cụ trong kho vũ khí của mình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn