MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu mới có thể giải đáp cho câu hỏi về sự sống ngoài hành tinh. Ảnh: Getty/AFP.

Chìa khóa phát hiện sự sống ngoài hành tinh trong nghiên cứu thiên văn mới

Hải Anh LDO | 03/05/2021 08:30

Liệu có hành tinh có sự sống ngoài hệ mặt trời không? Một nhóm thiên văn học quốc tế đã tiến thêm một bước nữa để trả lời cho câu hỏi này.

Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Queen's University Belfast, Anh, dẫn đầu đã phát hiện ra sự hiện diện của một phân tử mang ôxy trong bầu khí quyển của WASP-33b - một hành tinh lớn quay quanh một ngôi sao khác ngoài hệ mặt trời.

"Mặc dù WASP-33b có thể là một hành tinh khổng lồ, nhưng những quan sát này là nền thử nghiệm cho các cơ sở thế hệ tiếp theo như Kính thiên văn 30m và Kính thiên văn Rất lớn Châu Âu trong việc tìm kiếm các đặc điểm sinh học ở các thế giới đá tiềm năng và nhỏ hơn để có thể cung cấp gợi ý cho một trong những câu hỏi lâu đời nhất của nhân loại: Chúng ta có cô độc?" - Giáo sư Chris Watson giải thích. Giáo sư Watson là người đứng đầu Nhóm Ngoại Hành tinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vật lý Thiên văn tại Queen's University Belfast, đồng tác giả nghiên cứu.

Kính thiên văn 30m và Kính thiên văn Rất lớn Châu Âu là những cơ sở thiên văn mới được đề xuất ở Hawaii, Mỹ, và sa mạc Atacama ở Chile. Đây là những địa điểm các cuộc thử nghiệm tương tự ngoài hệ mặt trời có thể triển khai trong tương lai.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu dùng kính thiên văn Subaru hiện có ở Hawaii và một công cụ mới là Doppler hồng ngoại (IRD) để xác định chính xác "dấu vân tay quang phổ" của các nguyên tử và phân tử phát ra từ ngoại hành tinh WASP-33b.

Trạm vũ trụ quốc tế đi qua kính thiên văn Subaru. Ảnh: Subaru Telescope.

Nhóm nghiên cứu có thể phát hiện ra gốc hydroxyl (OH), một trong những phân tử mang ôxy chiếm ưu thế nhất được tìm thấy ở nhiệt độ cao. Đây là lần đầu tiên OH được tìm thấy trong khí quyển của một ngoại hành tinh.

Phân tử đặc biệt này được tìm thấy trong bầu khí quyển của Trái đất khi hơi nước phản ứng với ôxy nguyên tử, chiếm 96% quỹ đạo thấp hơn của Trái đất.

Trên Trái đất, OH đóng một vai trò quan trọng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu, hoạt động như một chất "tẩy rửa" phá vỡ sự tích tụ của các khí nhà kính có hại trong khí quyển.

Mặc dù ngoại hành tinh WASP-33b lớn hơn nhiều so với Trái đất cũng như có bầu khí quyển nóng hơn nhiều, phát hiện này, theo Euronews, giúp cải tiến các kỹ thuật để phát hiện OH trong bầu khí quyển ở các hành tinh nhỏ hơn tương tự như Trái đất.

"Khoa học về các hành tinh ngoài hệ mặt trời tương đối mới, và mục tiêu chính của thiên văn học hiện đại là khám phá chi tiết bầu khí quyển của những hành tinh này và cuối cùng là tìm kiếm các ngoại hành tinh "giống Trái đất" - những hành tinh tương tự như của chúng ta" - Tiến sĩ Neale Gibson, giáo sư trợ lý tại Trinity College Dublin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

"Mỗi dạng khí quyển mới được phát hiện sẽ cải thiện hơn nữa hiểu biết của nhân loại về các ngoại hành tinh và các kỹ thuật cần thiết để nghiên cứu bầu khí quyển của những hành tinh đó cũng như đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu này" - ông nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn