MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 đa dạng khắp thế giới

Thanh Hà LDO | 10/07/2021 21:28
Ít nhất 213 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm hơn 3 tỉ liều vaccine COVID-19 chỉ hơn 1 năm sau khi ca COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc, CNN thông tin ngày 10.7.

Một số loại vaccine COVID-19 khác nhau đã được phát triển với tốc độ kỷ lục, phần lớn là nhờ nhiều năm nghiên cứu về các loại virus liên quan và hàng tỉ USD đầu tư để phát triển vaccine.

Các chiến lược tiêm chủng COVID-19 đa dạng và khác biệt theo từng quốc gia và vùng lãnh thổ, CNN lưu ý. Một số quốc gia ủng hộ tiêm chủng càng nhanh càng tốt trong khi các nước khác tìm cách ưu tiên tiêm chủng cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương cụ thể.

Các nhà lãnh đạo tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc tế trong các chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19. WHO lưu ý rằng, một đại dịch toàn cầu đòi hỏi những nỗ lực toàn cầu để chấm dứt đại dịch đó.

Việc cân đo tiến triển của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 cũng là một thách thức, hãng tin Mỹ nhấn mạnh. Theo đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tiêm vaccine COVID-19 dạng 2 liều. Cùng với đó, dữ liệu tiêm chủng của các nơi không nhất quán khiến việc thống kê và so sánh số lượng người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng một phần không dễ dàng.

Ví dụ, Nhật Bản có lộ trình rõ ràng cho chương trình tiêm chủng của nước này tuy nhiên diễn tiến cũng có thể thay đổi tùy tình hình thực tế.

Cuối tháng 1.2021, Nhật Bản triển khai thử nghiệm lâm sàng cho vaccine Moderna. Pfizer cũng nộp dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của hãng Nhật Bản vào cuối tháng 1. Một phần lý do khiến Nhật Bản mất nhiều thời gian hơn để triển khai tiêm chủng là nước này cần nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn các nước khác để xác định một vaccine được coi là an toàn.

Ngày 5.2, AstraZeneca đã nộp đơn xin phê duyệt vaccine. Nhật Bản cũng chính thức phê duyệt vaccine Pfizer vào ngày 14.2. Việc triển khai tiêm vaccine Pfizer bắt đầu vào ngày 17.2, với đợt đầu tiên cung cấp cho tối đa 20.000 nhân viên y tế tuyến đầu. Khoảng 3,7 triệu nhân viên y tế được tiêm chủng trong đợt tiếp theo.

Sang tháng 3, hãng dược Nhật Bản Daiichi Sankyo Co bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca. Đến cuối tháng 3, giới chức Nhật Bản bắt đầu phân phối voucher vaccine Pfizer cho người dân từ 65 tuổi trở lên.

Từ 12.4, Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine cho người từ 65 tuổi trở lên.

Tháng 5.2021, Nhật Bản chính thức phê duyệt vaccine Moderna và AstraZeneca để sử dụng tại địa phương vào ngày 21.5, tuy nhiên, việc triển khai vaccine AstraZeneca đã bị tạm dừng sau đó cùng ngày. Ngày 24.5, Nhật Bản khai trương các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Tokyo và Osaka.

Đến 21.6, Nhật Bản chính thức bắt đầu triển khai tiêm chủng cho những người dưới 65 tuổi. Các vận động viên thi đấu tại Olympic và Paralympic Tokyo được tiêm vaccine vào cuối tháng 6 trên cơ sở tự nguyện.

Chính phủ Nhật Bản có mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người cao tuổi vào cuối tháng 7. Tại Fukuoka, giới chức xúc tiến tiêm chủng qua kế hoạch thành lập các trung tâm tiêm chủng 24 giờ cho công chúng sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7.

Theo Japan Times, lãnh đạo chương trình vaccine Taro Kono cho biết, Nhật Bản đảm bảo đủ vaccine để tiêm cho tất cả người dân từ 16 tuổi trở lên trước cuối tháng 9. Nhật Bản đã đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho tất cả người dân có nguyện vọng trước tháng 11.

Asahi Shimbun lưu ý, tính đến tháng 5.2021, Nhật Bản đã đảm bảo 194 triệu liều vaccine Pfizer, 50 triệu liều vaccine Moderna và 120 triệu liều vaccine AstraZeneca đủ để cung cấp cho toàn bộ dân số trước cuối năm nay.

Dữ liệu mới nhất từ Bloomberg ngày 10.7 chỉ ra, đến nay Nhật Bản đã tiêm được 57,3 triệu liều vaccine, tương đương với 22,7% dân số được tiêm chủng, trong đó tỉ lệ tiêm 1 liều vaccine là 28,6% và đã tiêm đầy đủ là 16,9%. Tỉ lệ tiêm chủng hàng ngày của Nhật Bản là gần 1,6 triệu liều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn