MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 ngày 20.4.2022. Ảnh: Bộ Tài chính Singapore

Chiến sự Ukraina lan sang diễn đàn lớn

Ngạc Ngư LDO | 25/04/2022 10:42

Chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina đã làm cho phương Tây đối nghịch Nga đến mức biến tất cả những khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế có sự tham gia đồng thời của họ và của Nga trở thành chiến địa cho họ đối đầu Nga, sau Liên Hợp Quốc là khuôn khổ diễn đàn G20. 

Tại hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương vừa rồi của các thành viên nhóm G20 bên lề hội nghị mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đại diện của Mỹ và một số đồng minh tham dự trực tiếp đã bỏ ra ngoài phòng họp và số khác tham dự trực tuyến đã tắt camera khi đại diện của Nga phát biểu cả trực tiếp cũng như trực tuyến. Đối với họ, việc cô lập Nga bây giờ được coi trọng và ưu tiên hơn cả hiệu quả hoạt động thực tế của nhóm G20.

Đấy mới chỉ là khúc dạo đầu của kịch bản "có Nga thì không có họ" ở G20. Hồi kịch chính sẽ là hội nghị cấp cao năm nay của nhóm G20 tổ chức ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 tới. Bất chấp sức ép từ phía Mỹ và đồng minh, Indonesia trong tư cách chủ tịch đương nhiệm của G20 vẫn quả quyết sẽ mời tất cả các thành viên của nhóm, kể cả Nga tham dự sự kiện quan trọng nhất hằng năm của G20. Cho tới nay, phía Nga để ngỏ khả năng đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Indonesia tham dự hội nghị. Khi ấy, cuộc đối nghịch giữa Mỹ và đồng minh với Nga liên quan tới chiến sự ở Ukraina có thể sẽ leo thang mức độ quyết liệt tới đỉnh điểm trong G20. 

Mỹ và đồng minh muốn loại trừ Nga ra khỏi nhóm G20 như hồi năm 2014 đã loại Nga ra khỏi nhóm G8 khiến cho khuôn khổ diễn đàn này từ đó chỉ còn là G7. Nhưng G20 khác biệt cơ bản so với G7 và ở G20, Mỹ và đồng minh dẫu có đóng vai trò quan trọng đến mấy cũng vẫn không thể cứ muốn làm gì cũng được. Trong nhóm G20 hiện tại có không ít thành viên không chủ trương loại trừ Nga ra khỏi nhóm vì chiến sự ở Ukraina, tức là không hùa theo phe Mỹ và đồng minh. Ba kịch bản có thể xảy ra với hội nghị cấp cao năm nay của nhóm G20 ở Bali là Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới tham dự, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ tẩy chay sự kiện nếu ông Putin tham dự và tất cả tham dự nhưng Mỹ và đồng minh bỏ ra ngoài khi ông Putin phát biểu.

G20 hiện không đơn thuần chỉ bị vạ lây bởi chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina mà còn bị thử thách thật sự về hiệu quả hoạt động và thậm chí cả về việc tiếp tục tồn tại. Một khi khuôn khổ diễn đàn lớn bị Mỹ và đồng minh chính trị hoá phục vụ cho những lợi ích riêng của họ và biến khuôn khổ diễn đàn lớn này trở thành chiến địa cho cuộc đối đầu của họ với Nga thì G20 làm sao có thể tập trung trước hết vào xử lý những vấn đề mà việc giải quyết chúng vốn được coi là sứ mệnh lịch sử bẩm sinh của nhóm. 

Mọi sự kiện lớn của nhóm không thể thành công và G20 không thể phát huy vai trò to lớn của nó đối với hợp tác và phát triển, an ninh và ổn định của thế giới khi nội bộ nhóm giữa các thành viên với nhau không có sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cần thiết. Mọi dấu hiệu trong thời gian vừa qua và mọi báo hiệu cho thời gian tới đều vô cùng tai hại đối với tương lai của nhóm G20 là trở nên hữu danh vô thực. 

Trong lịch sử của nhóm từ khi hình thành đến nay, G20 không phải không gặp sóng gió và không bị thách thức gì, nhưng trên thực tế chưa khi nào phải trực diện nguy cơ bị tan rã như hiện tại. Bi kịch của nhóm G20 là số phận tương lai của nó, ít nhất trên phương diện hiệu quả thiết thực của hoạt động, bị làm cho phụ thuộc vào kết cục của cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga mà kết cục này vừa phụ thuộc vào lại vừa chi phối kết cục cuối cùng của chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn