MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chở dầu của Mỹ ngoài khơi bờ biển Lithuania vào tháng 6.2020. Ảnh: Reuters

Chiến thuật dầu mỏ của ông Biden khiến Nga được lợi?

Ngọc Vân LDO | 05/12/2021 16:19
Đảng Cộng hòa tuyên bố chiến thuật dầu mỏ của Tổng thống Joe Biden sẽ làm tăng lợi nhuận của Nga.

Các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét sẽ phản tác dụng. Họ nói rằng nó sẽ đẩy giá dầu lên và làm giàu cho Nga.

Trong tuần này, một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng lệnh cấm xuất khẩu đang được cân nhắc theo đề xuất của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ vào tháng trước nhằm giữ nguồn cung dầu thô của Mỹ ở trong nước và giúp giảm giá năng lượng đang tăng cao. Mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng các đảng viên Đảng Cộng hòa lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.

August Pfluger, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Texas cho biết, việc Mỹ cấm xuất khẩu dầu thô sẽ là một sai lầm thảm khốc, gây tổn hại đến sinh kế của những công nhân cổ cồn xanh ở lưu vực Permian (phía tây Texas) và dẫn đến giá dầu thô quốc tế cao hơn, mang lại cho Nga nhiều lợi nhuận hơn.

Ông Pfluger cho rằng chính sách năng lượng của Mỹ nên đặt Texas lên trên Mátxcơva. Hơn nữa, lệnh cấm xuất khẩu sẽ dẫn đến chi phí thậm chí cao hơn cho các gia đình Mỹ. Ông nói thêm, "chính quyền ông Biden nên khuyến khích, chứ không phải làm tê liệt, sản xuất năng lượng của Mỹ".

Pfluger nằm trong số 61 thành viên Hạ viện hôm 3.11 đã gửi thư kêu gọi chính quyền không khôi phục lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, vốn đã bị Quốc hội bãi bỏ vào năm 2015.

Trong khi ông Pfluger lập luận việc chặn xuất khẩu cuối cùng sẽ khiến giá dầu trong nước tăng cao hơn khi sản lượng giảm, các nhà phê bình khác cho rằng sẽ không mất nhiều thời gian để người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn tại các trạm xăng.

Tháng trước, công ty nghiên cứu IHS Markit cảnh báo, việc ngừng xuất khẩu dầu thô của Mỹ sẽ “gây ra một cú sốc cho thị trường thế giới”, làm gián đoạn nguồn cung và khiến việc phân bổ cho các nhà máy lọc dầu trở nên tốn kém hơn và kém hiệu quả hơn. Giám đốc điều hành IHS Markit Kurt Barrow cho biết, điều này sẽ dẫn đến chuỗi cung ứng và chế biến không hiệu quả và thậm chí khiến giá xăng dầu có thể cao hơn do lệnh cấm xuất khẩu.

Nếu những lo ngại về những hậu quả không mong muốn trong nước không đủ để lay chuyển ông Biden, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã nêu lên mối lo ngại về vấn đề mà đảng Dân chủ đã quan tâm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016, đó là Nga. Mỹ và Nga được xếp là hai nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và Nga phụ thuộc vào việc bán dầu và khí đốt tự nhiên cho khoảng 1/5 GDP của mình.

“Việc áp dụng lại lệnh cấm xuất khẩu sẽ khiến chúng ta kém cạnh tranh hơn trên trường thế giới và chuyển các công việc lương cao ra nước ngoài” - các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cho biết. Họ nói thêm rằng việc ngừng xuất khẩu sẽ “làm tê liệt” sự tăng trưởng của ngành dầu mỏ Mỹ và “không giảm bớt nỗi đau mà người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy do các chính sách năng lượng thất bại của chính quyền này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn