MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Kevin McCarthy phát biểu với báo giới tại Washington D.C ngày 29.9.2023. Ảnh: Xinhua

Chính trường Mỹ sau vụ bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện

Ngạc Ngư LDO | 09/10/2023 06:23

Chính trường nước Mỹ lại gây bất ngờ và có được tiền lệ chính trị mới. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước này, Chủ tịch Hạ viện bị bãi nhiệm và không những bị bãi nhiệm mà còn bị chính phe cánh chính trị của mình hạ bệ.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hoà đã bị bãi nhiệm với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống. Phe Đảng Dân chủ trong Hạ viện không đồng ý phế truất ông McCarthy.

Việc phe Đảng Cộng hoà trong Hạ viện có thể lật đổ được người do chính phe này bầu làm Chủ tịch Hạ viện là một kết quả của thỏa hiệp giữa ông McCarthy với các dân biểu cùng phe trong Hạ viện.

Để được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông McCarthy phải chấp nhận điều kiện của bộ phận cực đoan trong Đảng Cộng hoà là chỉ cần một dân biểu đề xuất thì ông McCarthy phải để cho tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính mình trong Hạ viện.

Ông McCarthy phải qua tận 15 vòng bầu mới đắc cử Chủ tịch Hạ viện nhưng rồi ngay từ đầu đã chẳng khác gì đi trên dây vì thực chất phó mặc hoàn toàn số phận chính trị của mình cho những vị đồng đảng của mình trong Hạ viện.

Nguyên do của vụ bãi nhiệm này ở phía Đảng Cộng hòa là ông McCarthy đã thỏa hiệp với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc phe Đảng Dân chủ về ngân sách quá độ giúp cho nước Mỹ tránh được tình trạng phải đóng cửa chính phủ.

Nước Mỹ tránh được đóng cửa nhưng bản thân ông McCarthy lại bị bãi nhiệm. Qua đó đủ để thấy nội bộ phe Đảng Cộng hoà hiện trong tình trạng phân rẽ và rạn nứt đến mức độ nào.

Cựu Tổng thống Donald Trump ở phe Đảng Cộng hoà thậm chí còn được 2 vị dân biểu trong Hạ viện đề cử làm Chủ tịch Hạ viện mới.

Qua đó còn có thể thấy phe này hiện không những chỉ rạn nứt nội bộ, mà còn không có nhân vật nào có đủ khả năng khắc phục sự phân rẽ và rạn nứt nội bộ, gây dựng sự đoàn kết thống nhất nội bộ và tận dụng đa số hiện có trong Hạ viện để vận hành cuộc đấu quyền lực với ông Biden và với phe Đảng Dân chủ phục vụ cho các cuộc bầu cử Tổng thống, Thượng viện và Hạ viện vào đầu tháng 11 năm tới ở nước Mỹ.

Ông Trump tuy tỏ ra sẵn sàng đảm trách cương vị Chủ tịch Hạ viện trong thời gian ngắn để "giải cứu" phe Đảng Cộng hòa, nhưng đã ngỏ ý ngay ủng hộ một ứng cử viên khác đã hăng hái xung phong.

Không phải ông Trump không thích trở lại thủ đô để sử dụng quyền lực và ngồi ở Đồi Capitol để tranh đấu trực diện hàng ngày với ông Biden ở Nhà Trắng.

Nhưng ông ý thức được rằng, nếu muốn thắng ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2024 để đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, thì không nên và không thể vận động tranh cử tổng thống trong tư cách là Chủ tịch Hạ viện, mà phải với danh của người đã từng làm chủ Nhà Trắng.

Ông Trump hiện vẫn được bộ phận không nhỏ trong Đảng Cộng hòa tôn thờ và trung thành, nhưng hoàn toàn không phải và không được công nhận là lãnh đạo của tất cả những ai tham gia hoặc thân với Đảng Cộng hoà ở Mỹ. Hiện trạng nội bộ hiện tại của phe Đảng Cộng hòa - bộc lộ rất rõ ràng trên rất nhiều phương diện ở chuyện phe này bãi nhiệm ông McCarthy và tìm người thay thế ông McCarthy - rất bất lợi cho phe Đảng Cộng hòa và cá nhân ông Trump trong các cuộc bầu cử sắp tới ở nước Mỹ.

Nước Mỹ vì thế sẽ còn tiếp tục chứng kiến biến động chính trị nội bộ trong thời gian tới và sẽ bận rộn với chính mình nhiều hơn. Hệ lụy trước hết là mức độ sẵn sàng tiếp tục đổ tiền của và vũ khí để trợ giúp Ukraina trong cuộc xung đột với Nga sẽ suy giảm chứ không gia tăng. Bất ngờ và đột biến mới về chính trị đối nội với tác động và hệ lụy sâu rộng hoàn toàn không thể bị loại trừ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn