MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tại tổ hợp hóa dầu ZapSibNeftekhim ở Tobolsk, Nga. Dầu thô của Nga được bán với mức chiết khấu từ 30 đến 40 USD/thùng so với giá dầu thô Brent. Ảnh: AFP

Chủ tịch G20 cảnh báo về áp giá trần với dầu mỏ Nga

Thanh Hà LDO | 16/07/2022 07:39

Việc áp giá trần với dầu mỏ Nga có thể làm tăng chênh lệch giữa cung và cầu, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, nước chủ tịch G20, cảnh báo.

Áp giá trần với dầu mỏ Nga do Mỹ đề xuất có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vì nó không giúp giải quyết vấn đề nguồn cung mà thế giới đang đối mặt, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nói với CNBC ngày 15.7. 

Theo bà, giá năng lượng cao do nhu cầu đang vượt quá nguồn cung trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn vì xung đột Nga - Ukraina và các lệnh trừng phạt Nga mà phương Tây áp đặt với ngành năng lượng của nước này. 

"Áp giá trần chắc chắn không giải quyết được vấn đề, bởi vì căn bản là số lượng không đủ so với nhu cầu" - bà Indrawati chia sẻ với báo giới bên lề cuộc họp bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương G20 ở Bali, Indonesia.

Quan chức Indonesia lưu ý, cách biệt cung cầu trong lĩnh vực năng lượng sẽ chỉ nới rộng trong những tháng tới khi mùa cần sưởi ấm đang đến. 

Bình luận của bộ trưởng tài chính nước chủ tịch G20 được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang có mặt ở Châu Á với mục tiêu thu hút sự ủng hộ cơ chế giá trần với dầu mỏ Nga. Ngày 13.7, bà Yellen gọi giá trần là “một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng tôi” để chống lại lạm phát.

Mỹ đang muốn áp đặt giá trần với dầu của Nga. Ảnh chụp màn hình

Cùng ngày, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Molly Montgomery cho biết, Washington coi cơ chế áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là cơ hội để chi ít hơn cho nhập khẩu năng lượng Nga và ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ tính khả thi của biện pháp này vì Nga có thể chọn không bán dầu với mức giá trần mà Mỹ đưa ra. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây lưu ý, việc áp dụng cơ chế áp giá trần dầu mỏ Nga sẽ mất thời gian, vì nhiều chi tiết phải được sắp xếp trước khi có thể áp dụng. 

Mỹ đã nỗ lực thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc ủng hộ áp giá trần với dầu mỏ Nga tuy nhiên khả năng ủng hộ là không chắc chắn vì cả hai nước đang mua dầu thô Nga với mức giảm giá mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn