MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa huỷ cũng đã gây hại

NGẠC NGƯ LDO | 08/05/2018 10:39

Ngày 12.5 tới, lại một lần nữa, đến thời hạn Tổng thống Mỹ Donald Trump phải quyết định tiếp tục việc ngừng trừng phạt Iran theo cam kết của phía Mỹ trong thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran hay áp dụng trở lại.

Cái cớ

Áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt này đồng nghĩa với việc Mỹ không còn tham gia vào thoả thuận ấy nữa. Mùa hè năm 2015, thoả thuận này được ký kết - sau 10 năm đàm phán - giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức với Iran. Sau đó nó được Liên Hợp Quốc phê chuẩn và có giá trị pháp lý quốc tế. Việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bằng thoả thuận này được cả thế giới hoan nghênh, được coi là thành tựu đối ngoại nổi bật nhất và có ý nghĩa nhất của người tiền nhiệm của ông Donald Trump, ông Barack Obama, và của EU.

Ông Donald Trump luôn coi nó là thoả thuận tồi tệ nhất đối với nước Mỹ và đã cam kết trong vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ là sẽ lật ngược thoả thuận này để giải quyết lại từ đầu vấn đề hạt nhân của Iran. Thực chất, ý đồ của ông Donald Trump và cộng sự ở đây là dùng cớ này để giải quyết cả những chuyện khác nữa liên quan đến Iran, tức là giải quyết không chỉ vấn đề hạt nhân của Iran mà cả vấn đề chương trình tên lửa của Iran và hậu thuẫn những đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ ở khu vực như Israel hay Saudi Arabia đối phó Iran, đẩy lùi vai trò và ảnh hưởng của Iran ở khu vực.

Iran đã tuyên bố sẽ không tuân thủ cam kết trong thoả thuận nữa nếu phía Mỹ lại trừng phạt Iran và sẽ nối lại chương trình hạt nhân. EU đã nỗ lực rất nhiều để thuyết phục ông Donald Trump không lật ngược thoả thuận và thuyết phục Iran tiếp tục duy trì thoả thuận, kể cả trong trường hợp Mỹ rút khỏi thoả thuận. Cho tới nay, ông Donald Trump tỏ ra vẫn chưa thay đổi ý định, trong khi Pháp và Đức về cơ bản vẫn muốn duy trì thoả thuận, thì Anh ngày càng ngả dần về phía Mỹ. Hiện đã bắt đầu có những biểu hiện từ phía Pháp và Đức cho thấy sẵn sàng nhượng bộ Mỹ trong vấn đề này để đổi lấy việc ông Donald Trump không áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Lòng tin đã bị huỷ hoại nặng nề

Trong đội ngũ cộng sự thân tín xung quanh ông Donald Trump hiện thấy có những nhân vật xưa nay vốn luôn thù địch và cứng rắn với Iran, muốn ông Donald Trump huỷ hoại thoả thuận chứ không tiếp tục. Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ lại sắp đến ở Mỹ và ông Donald Trump lại phải chơi con bài dân tuý với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” để vận động tranh cử và tranh thủ cử tri nhằm bảo vệ được đa số hiện tại của Đảng Cộng hoà trong lưỡng viện lập pháp. Bởi thế, nhiều khả năng là ông Donald Trump sẽ có quyết định rất bất lợi cho thoả thuận nói trên.

Dù chưa huỷ hoại nó như lâu nay hay lật ngược nó thì tác động tai hại đều đã có. Lòng tin lẫn nhau giữa Mỹ và Iran đã bị huỷ hoại nặng nề, mà không có sự tin tưởng lẫn nhau này thì thoả thuận sớm hay muộn cũng sẽ không tránh khỏi bị đoản thọ. Quan điểm thái độ như thế ở phía Mỹ khích lệ phe cứng rắn và bảo thủ ở Iran thắng thế, mà phe phái này thì đâu có muốn đạt được thoả thuận trên chứ không nói thực hiện nghiêm chỉnh, mà lại còn từ lâu nay rồi chứ không phải chỉ từ sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Ông Donald Trump cứ như thế với thoả thuận này thì không có gì là khó hiểu khi phía Iran phải chuẩn bị để luôn sẵn sàng ứng phó, đối phó cả Mỹ và những đồng minh của Mỹ ở trong cũng như ngoài khu vực như Israel hay Saudi Arabia, và đương nhiên cả việc khôi phục chương trình hạt nhân nữa. Iran lại càng có cớ và sự cần thiết để đẩy mạnh cả chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ông Donald Trump có quyết định lựa chọn gì giữa 2 khả năng hiện có thì cũng không thể làm thay đổi 1 thực tế là uy tín của Mỹ không thể được cải thiện, trên phương diện đáng được tin rằng rồi sẽ nghiêm chỉnh thực hiện và tuân thủ những gì đã cam kết với các đối tác khác trên thế giới.

Triều Tiên không thể không nhìn vào đó mà rút ra cho mình những nhận thức và bài học cần thiết để tới đây xử lý quan hệ với Mỹ, trong đó có vấn đề hạt nhân và tên lửa như Iran. Quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục phức tạp và trắc trở, trong khi tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh còn dễ dàng trở nên nguy hiểm hơn trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn