MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tượng nguyệt thực dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra trong 2 tuần tới. Ảnh: NASA

Chuẩn bị đón nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21

Hải Anh LDO | 06/11/2021 15:55
Hiện tượng nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ 21 sẽ diễn ra trong tháng 11 này, kéo dài 3 giờ 28 phút, theo NASA.

Nguyệt thực xảy ra khi nào?

Trái đất sẽ đi qua giữa Mặt trời và Mặt trăng vào những giờ đầu ngày 19.11 tạo thành bóng trên Mặt trăng. Nguyệt thực đạt cực đại vào khoảng 4h sáng ngày 19.11, giờ ET (tức 15h cùng ngày, giờ Việt Nam) khi Trái đất che khuất 97% trăng tròn khỏi ánh sáng của Mặt trời, khiến Mặt trăng có màu hơi đỏ.

Các giai đoạn của siêu trăng nguyệt thực. Ảnh minh họa. Ảnh: NASA

Theo NASA, nguyệt thực một phần sẽ kéo dài 3 giờ, 28 phút và 23 giây - lâu hơn bất kỳ nguyệt thực nào khác xảy ra từ năm 2001 đến 2100.

Quan sát nguyệt thực ở đâu?

Sự kiện thiên văn hiếm có này sẽ làm nức lòng người yêu thiên văn ở Bắc Mỹ khi có thể xem toàn bộ quá trình nguyệt thực. Tất cả 50 tiểu bang của Mỹ, Canada và Mexico đều có thể xem toàn bộ nguyệt thực. 

Ở đây, người ngắm nguyệt thực dài nhất thế kỷ sẽ không cần dùng kính thiên văn hoặc ống nhòm mà chỉ cần bước ra ngoài nhìn lên bầu trời bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 2h19 đến 5h47 sáng, theo giờ ET.

Bản đồ các địa điểm quan sát nguyệt thực ngày 19.11 trên thế giới của NASA. Ảnh: NASA

Thêm vào đó, sự kiện nguyệt thực dài nhất thế kỷ cũng được một số chuyên trang về thiên văn vũ trụ phát trực tiếp, như trang timeanddate.com. 

Người yêu thiên văn ở Nam Mỹ và Tây Âu sẽ quan sát được hầu hết nguyệt thực dù Mặt trăng ở đây sẽ lặn trước khi nguyệt thực kết thúc. Người dân ở Tây Á và Châu Đại Dương sẽ bỏ lỡ phần trước của sự kiện nguyệt thực dài nhất thế kỷ, vì Mặt trăng vẫn chưa mọc ở khu vực này. Trong khi đó, người yêu thiên văn sống ở Châu Phi và Trung Đông sẽ không quan sát được bất kỳ cảnh tượng nào của nguyệt thực lần này. 

Nếu bỏ lỡ nguyệt thực hiếm có lần này, người yêu thiên văn cũng không cần quá nuối tiếc. NASA dự đoán có 179 lần nguyệt thực khác trong 8 thập kỷ tới, với trung bình 2 lần mỗi năm. Lần nguyệt thực tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 16.5.2022.

Vì sao nguyệt thực màu đỏ?

Thông thường, bề mặt Mặt trăng sẽ có màu xám khi phản chiếu ánh sáng Mặt trời. Nhưng khi diễn ra nguyệt thực, Trái đất sẽ ở vị trí chặn ánh sáng Mặt trời chiếu tới Mặt trăng.

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi 100% Mặt trăng bị che khuất bởi bóng hình nón của Trái đất. Trong giai đoạn nguyệt thực toàn phần, hoặc nguyệt thực một phần như sự kiện diễn ra ngày 19.11, bề mặt Mặt trăng có màu hơi đỏ. 

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng hoàn toàn bị Trái đất che khuất. Ảnh: NASA/Insider

Màu đỏ của Mặt trăng là do có các hạt ôxy và nitơ trong bầu khí quyển Trái đất. Những hạt này tán xạ tốt một số bước sóng ánh sáng ngắn hơn như xanh lam hoặc tím vì vậy các màu có bước sóng dài hơn như đỏ, cam hoặc vàng sẽ tồn tại lâu hơn. Vì thế, khi Mặt trăng ở trong bóng của Trái đất, những màu hơi đỏ sẽ chiếm ưu thế và những người yêu thiên văn sẽ quan sát thấy nguyệt thực có màu đỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn