MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện chưa từng biết về 6 người Trung Quốc sống sót trên tàu Titanic

Khánh Minh LDO | 26/04/2021 10:43
Bộ phim tài liệu mới hé lộ câu chuyện “hoàn toàn không ai biết đến” của 6 người đàn ông Trung Quốc sống sót sau vụ đắm tàu ​​Titanic.

Bộ phim gây tiếng vang

Với đạo diễn từng đoạt giải Oscar James Cameron là nhà sản xuất điều hành, bộ phim "The Six" đã nhận được nhiều đánh giá tích cực ở Trung Quốc và có lúc đã trở thành xu hướng trên Weibo sau khi công chiếu vào ngày 16.4.

Đạo diễn Arthur Jones cộng tác với nhà sử học Steven Schwankert để làm phim và hy vọng The Six sẽ gây tiếng vang tương tự khi được chiếu ở nước ngoài và cuối cùng sẽ xóa tan những giai thoại đã tồn tại hơn một thế kỷ.

Đối với nhà sử học Steven Schwankert, The Six mang đến tiếng nói, cuộc sống của 6 người đàn ông Trung Quốc - những người trong số khoảng 700 người sống sót sau vụ đắm tàu ​​Titanic năm 1912.

AFP dẫn lời đạo diễn Jones nói rằng, dự án cật lực kéo dài qua nhiều quốc gia và nhiều năm bắt đầu giống như một trò đùa giữa những người bạn lâu năm, cả hai đều ở Trung Quốc.

“Steven đến gặp tôi và nói chúng tôi nên làm câu chuyện về con tàu Titanic và những người Trung Quốc trên tàu Titanic. Tôi nghĩ anh ấy nói đùa. Nhưng tôi đã suy nghĩ và thấy rằng nên làm. Ban đầu suy nghĩ của tôi là: Tôi không biết thế giới cần một bộ phim Titanic khác hay một bộ phim tài liệu Titanic khác".

Đạo diễn Jones nói: "Khi đề cập với những người bạn Trung Quốc, họ ngạc nhiên rằng có một câu chuyện hoàn toàn không được biết đến từ Titanic, dường như đó là một điều phi thường".

Để làm bộ phim The Six, Schwankert và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp của ông đã xem xét các tài liệu lưu trữ và gặp gỡ các hậu duệ trên khắp các lục địa để cố gắng ghép lại những gì đã xảy ra với những người đàn ông sống sót sau vụ chìm tàu Titanic ​​nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Tám người Trung Quốc đã có mặt trên con tàu định mệnh, ở khoang hạng ba, khi nó bị chìm do va phải một tảng băng trôi. Sáu người - hầu hết là thủy thủ nhưng không làm việc trên tàu Titanic - đã sống sót trên bè cứu sinh.

James Cameron - người đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Hình ảnh đẹp nhất tại lễ trao giải Oscar cho bộ phim ăn khách Titanic năm 1997 - hoàn toàn ủng hộ bộ phim tài liệu và cho phép đạo diễn Jones chiếu một cảnh không có trong phiên bản điện ảnh của phim bom tấn.

Trong cảnh này, một người đàn ông gốc Á bấu víu vào mảnh gỗ đã được vớt lên khỏi mặt nước đóng băng, có lẽ trở thành người cuối cùng được cứu.

Khi Schwankert và nhóm của ông tìm kiếm con trai của người đàn ông nói trên trong cuộc sống thực, hóa ra ông hầu như không biết gì về những gì người cha quá cố của mình đã phải chịu đựng bởi vì ông chưa bao giờ thực sự nói về nó.

Khi nhóm nghiên cứu sâu hơn về số phận của 6 người đàn ông Trung Quốc, dự án của họ được biết đến rộng rãi nên đã thu hút nhiều người đến cung cấp thông tin hơn.

Bổ sung vào lịch sử "bất thành văn"

Một yếu tố nổi bật của bộ phim là định kiến ​​mà những người lao động nhập cư Trung Quốc giống như những người thủy thủ kia phải đối mặt khi họ tìm kiếm cuộc sống mới ở phương Tây.

Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882 cấm lao động Trung Quốc đến Mỹ, đóng sập cánh cửa "Giấc mơ Mỹ" của họ. Những người đàn ông này đến New York cùng những người sống sót khác nhưng đã bị đưa ra khỏi đất nước chưa đầy 24 giờ sau đó.

Sự tương đồng giữa tâm lý chống người Châu Á lúc bấy giờ và bây giờ, đặc biệt là ở Mỹ, không bị mất trong bộ phim của Jones và Schwankert.

"Mọi người - cho dù ở Mỹ, Canada, Vương quốc Anh hay bất kỳ nơi nào khác - không đột nhiên có những cảm giác tiêu cực này trong hai hoặc ba tháng qua. Đây là những vấn đề sâu xa" - ông Schwankert, 50 tuổi, nói.

Bộ phim cũng bóc mẽ những tuyên bố rằng, những người đàn ông Trung Quốc đã lẻn lên chiếc thuyền cứu sinh đã cứu họ bằng cách cải trang thành phụ nữ hoặc trốn trên bè.

Khán giả Trung Quốc vui mừng vì câu chuyện sống sót có thật của những người đồng hương giờ đã được kể lại.

Đạo diễn Jones nói: “Hơn hết, khán giả ở đây đang nói lời cảm ơn vì đã điền một chút vào lịch sử bất thành văn này, hoặc có thể là lịch sử bị viết tệ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn