MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Hyderabad ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 20.3.2023. Ảnh: Xinhua

Chuyện chung và lợi riêng

Ngạc Ngư LDO | 27/03/2023 10:00

Tuần qua, sau khi kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Ukraina. Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Fumio Kishida được loan báo từ trước đó khá lâu, trong khi chuyến đi tới Ukraina thì chỉ được mập mờ lộ ra khi ông Kishida đang ở thăm Ấn Độ. 

Việc Thủ tướng Kishida Fumio công du Ukraina có thể được giấu kín đến phút cuối vì nhu cầu đảm bảo an ninh, nhưng lại cũng rất có thể đến tận phút cuối mới được quyết định vì liên quan đến chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Nga bị phía các nước trong phe phương Tây nhìn nhận là công khai hóa sự ủng hộ của Trung Quốc trong cả cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina, lẫn trong cuộc đối địch quyết liệt hiện tại giữa các nước phương Tây và Nga - mặc dù đến nay Trung Quốc không chính thức biểu lộ công khai quan điểm, thái độ như thế. 

Phe các nước phương Tây kỳ vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi ở thăm Nga sẽ điện đàm với Tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky, mặc dù bác bỏ sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc với tên gọi là "Giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina". Phe này muốn Trung Quốc tận dụng sự lệ thuộc hiện tại không hề nhỏ của Nga vào mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc để thúc ép Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina.

Thủ tướng Kishida Fumio tới Ấn Độ và Ukraina trong tư cách vừa đại diện cho chính phủ Nhật Bản vừa là chủ tịch đương nhiệm luân phiên của nhóm G7. Thủ tướng Nhật Bản quyết định đi Ukraina xem ra chủ yếu bởi thấy Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Trung Quốc và Nga, chứ không có dấu hiệu chịu để bị thuyết phục chuyển sang hùa theo phe phương Tây cùng đối địch Nga, lại còn không mặn mà chuyện đàm thoại với Tổng thống Volodymyr Zelensky. 

Cho nên Thủ tướng Kishida Fumio mới tới Ukraina, dùng chuyến đi Ukraina để trấn an tinh thần Ukraina, khẳng định sự hậu thuẫn của nhóm G7 dành cho Ukraina, cũng như sự ưu tiên của Nhật Bản dành cho vấn đề Ukraina trên chương trình nghị sự của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên nhóm G7 của Nhật Bản. Cũng vì thế mà Thủ tướng Kishida Fumio sẽ mời Tổng thống Volodymyr Zelensky làm khách của Nhật Bản tham dự cuộc gặp cấp cao tới đây của nhóm G7 do Nhật Bản chủ trì.

Cả chuyện chung và lợi ích riêng như thế cũng có thể thấy ở chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Kishida Fumio. Ấn Độ hiện là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm G20 mà chương trình nghị sự của nhóm này cũng bị chi phối bởi chuyện cuộc chiến ở Ukraina như nhóm G7. Ấn Độ cũng như Trung Quốc không ở cùng phe với phương Tây trong đối đồi đầu với Nga và trong chuyện cuộc chiến ở Ukraina.

Ấn Độ cùng với Nhật Bản là hai trong bốn nước tạo nên cái gọi là Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ hiện rất tốt đẹp. Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, hợp tác và tham vấn giữa nhóm G7 và nhóm G20, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong khuôn khổ Bộ Tứ nói riêng và hai nước đồng hành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, trong đó có cả cùng nhu cầu đối phó Trung Quốc, chẳng phải lợi đơn, ích kép đối với cả hai bên hay sao?

Cả Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều có lợi ích rất thiết thực ở thành công của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên nhóm họ đang đảm nhận và đều gặp khó xử không khác nhau nhiều liên quan đến Nga và đến cuộc chiến ở Ukraina. Mỗi người phải vượt khó theo cách riêng nhưng việc tham vấn lẫn nhau lại có thể rất hữu ích đối với cả hai. Sứ mệnh thì riêng nhưng lại có thể phục vụ cho lợi ích chung của Nhật Bản và Ấn Độ khi tận dụng việc thực thi sứ mệnh riêng để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn