MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
WHO cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2022. Ảnh: AFP

Chuyên gia dự đoán thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 ở mỗi nước

Bảo Châu LDO | 04/11/2021 09:25

Khi làn sóng đại dịch do biến thể Delta đã giảm bớt trên thế giới, các nhà khoa học đang dự đoán thời điểm đại dịch kết thúc, chuyển thành một căn bệnh đặc hữu.

Theo Reuters, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ có những quốc gia đầu tiên thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhờ vào sự kết hợp giữa tỉ lệ tiêm chủng cao và khả năng miễn dịch tự nhiên ở những người từng nhiễm virus, chẳng hạn như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo SARS-CoV-2 vẫn là một loại virus không thể đoán trước và nó đang đột biến khi lây lan qua các cộng đồng chưa được tiêm chủng.

Không ai có thể loại trừ hoàn toàn viễn cảnh xấu, trong đó virus đột biến đến mức có thể né tránh khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, các nhà khoa học ngày càng tin tưởng nhiều quốc gia sẽ kiểm soát được đại dịch vào năm tới.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Chúng tôi nghĩ từ nay đến cuối năm 2022 là thời điểm mà chúng ta có thể kiểm soát được loại virus này... giảm thiểu đáng kể tình trạng bệnh nghiêm trọng và tử vong”.

Quan điểm của WHO được đưa ra trên cơ sở các chuyên gia về dịch bệnh đang mô hình hóa diễn biến có thể xảy ra của đại dịch trong 18 tháng tới. Đến cuối năm 2022, WHO đặt mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm chủng.

Bà Van Kerkhove nói: “Nếu đạt được mục tiêu đó, chúng ta sẽ ở trong một vị thế rất khác về mặt dịch tễ học''.

Đồng thời bà cũng lo lắng về việc các quốc gia sớm dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

 Nhiều quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế COVID-19. Ảnh: AFP

Theo báo cáo ngày 26.10 của WHO, các ca mắc và tử vong đã giảm xuống ở hầu hết các khu vực trên thế giới kể từ tháng 8.2021.

Nhưng Châu Âu lại là một ngoại lệ khi biến thể Delta nguy hiểm đang thúc đẩy làn sóng gia tăng đại dịch mới ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp như Nga và Romania, cũng như những nơi đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang. Biến thể này cũng góp phần làm gia tăng ca nhiễm ở các quốc gia như Singapore và Trung Quốc, nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng ít khả năng miễn dịch tự nhiên do các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt.

Nhà dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết, quá trình chuyển đổi ở mỗi nơi là khác nhau, được thúc đẩy bởi lượng miễn dịch trong dân số, bao gồm cả miễn dịch tự nhiên sau lây nhiễm và miễn dịch tiêm chủng.

Một số chuyên gia dự đoán làn sóng lây lan biến thể Delta ở Mỹ sẽ kết thúc trong tháng 11 và trở thành đợt gia tăng lớn cuối cùng của dịch COVID-19 của nước này.

"Chúng tôi đang chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn đặc hữu hơn của loại virus này, khi nó chỉ còn là mối đe dọa dai dẳng ở Mỹ" - cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cho biết.

Chris Murray, một nhà dự báo dịch bệnh hàng đầu tại Đại học Washington, cũng nhận định đợt gia tăng biến thể Delta của Mỹ kết thúc vào tháng 11 với mức tăng ca nhiễm mới rất khiêm tốn trong mùa đông này và nếu không có biến thể mới, dịch bệnh sẽ thực sự hạ nhiệt vào tháng 4.2022.

Tại các quốc gia đang nới lỏng biện pháp hạn chế, như ở Anh, vaccine dường như đã phát huy tác dụng ngăn chặn ca nhập viện do mắc COVID-19.

Nhà dịch tễ học Neil Ferguson của Đại học Hoàng gia London nói rằng đối với Vương quốc Anh, tình trạng khẩn cấp đại dịch hầu như đã bị bỏ lại phía sau.

Xu hướng của COVID-19

Đại dịch COVID-19 được dự đoán vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong trong nhiều năm tới, giống như các bệnh đặc hữu khác như sốt rét.

Bà Van Kerkhove lưu ý: “Đặc hữu không có nghĩa là lành tính''.

Một số chuyên gia nói virus SARS-CoV-2 cuối cùng sẽ giống như bệnh sởi, gây bùng phát ở những quần thể có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Trong khi nhiều quan điểm cho rằng COVID-19 có xu hướng trở thành một bệnh đường hô hấp theo mùa như bệnh cúm. Hoặc, virus có thể ít gây chết người hơn, ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em, nhưng có thể mất hàng thập kỷ.

Nhà khoa học Ferguson của Đại học Imperial College dự kiến ​​số lượng ca tử vong do COVID-19 ở Anh sẽ trên mức trung bình trong vòng 2 đến 5 năm tới, nhưng không còn khả năng làm áp đảo hệ thống y tế hoặc dẫn đến tái áp đặt giãn cách xã hội.

"Đó sẽ là một sự chuyển biến dần dần. Chúng tôi sẽ ứng phó với một loại virus dai dẳng hơn".

 Mỹ bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi trong tuần này. Ảnh: AFP

Tại Mỹ, nhà virus học mô hình máy tính Trevor Bedford tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson đã theo dõi sự tiến triển của virus SARS-CoV-2, và nhận thấy làn sóng dịch bệnh ở Mỹ sẽ giảm bớt vào mùa đông năm nay, sau đó chuyển thành căn bệnh đặc hữu vào năm 2022-2023. Ông dự đoán 50.000 đến 100.000 ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ mỗi năm, dựa trên con số ước tính 30.000 ca tử vong hàng năm do cúm.

Ông Bedford cho rằng, virus có thể sẽ tiếp tục đột biến, đòi hỏi phải tiêm phòng hàng năm để phù hợp với các biến thể lưu hành mới nhất.

Nếu kịch bản dịch COVID-19 theo mùa thành hiện thực và virus SARS-CoV-2 lúc này lưu hành song song với bệnh cúm, cả hai chuyên gia Gottlieb và Murray đều cho rằng nó sẽ có tác động đáng kể đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI) lo ngại, một số quốc gia được bảo vệ tốt nhờ vaccine trong khi những quốc gia khác hầu như không được tiêm chủng nên thế giới vẫn dễ bị tổn thương.

“Điều khiến tôi lo ngại là xuất hiện một biến thể có khả năng né được cả vaccine và miễn dịch tự nhiên do lây nhiễm trước đó. Như vậy sẽ giống như một đại dịch mới nổi lên trong khi vẫn đang tồn tại dịch cũ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn