MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chung Nam Sơn trong cuộc họp báo ngày 18.3 ở Quảng Châu. Ảnh: CGTN

Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc phản bác COVID-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán

Song Minh LDO | 19/03/2020 09:52
Chuyên gia hô hấp nổi tiếng Trung Quốc Chung Nam Sơn nói không có bằng chứng nào cho thấy COVID-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán.

Ông Chung Nam Sơn là người đứng đầu một nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Ông cũng đã đứng đầu nhóm nhân viên y tế Trung Quốc đánh bại dịch SARS vào năm 2003.

"Dịch COVID-19 đã bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là căn bệnh này bắt nguồn từ Vũ Hán. Chúng ta không có bằng chứng. Đây là một vấn đề khoa học" - đài truyền hình Trung Quốc CGTN dẫn lời ông Chung Nam Sơn phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18.3 ở Quảng Châu.

Nhà khoa học Trung Quốc cho biết nguồn gốc của COVID-19 chỉ có thể được tìm ra sau khi nghiên cứu đầy đủ. Vẫn còn quá sớm để rút ra bất kỳ kết luận nào.

"Cuối cùng chúng ta cũng có thể tìm ra vấn đề thông qua các cách tiếp cận tiến hóa trong sinh học phân tử, nhưng hiện nay thì chưa. Tôi không có trách nhiệm phải đi đến kết luận mà không hiểu rõ sự thật. Tôi chưa biết nguồn gốc của nó. Hãy nhớ tôi đã từng nói trong một cuộc họp rằng dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi không biết nó có bắt nguồn từ Trung Quốc hay không - ông Chung Nam Sơn nói.

Cũng trong cuộc họp báo, ông Chung Nam Sơn nhấn mạnh rằng cho đến nay chưa có thuốc điều trị đối với COVID-19 và vẫn cần sự hợp tác quốc tế để thực hiện các thử nghiệm mới.

"Cuộc chiến chống lại COVID-19 không nên phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng" - ông Chung nói thêm rằng việc sản xuất vaccine COVID-19 hiệu quả hiện đang là ưu tiên hàng đầu và cần có sự hợp tác quốc tế.

Tuần trước, cố vấn khoa học của Anh, Sir Patrick Vallance, khuyến nghị 60% dân số Anh bị nhiễm COVID-19 để có được miễn dịch đối với căn bệnh này, gây ra tranh cãi trên toàn thế giới.

Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi một phần dân số đủ miễn dịch với một bệnh cụ thể (thường là thông qua tiêm chủng và/hoặc miễn dịch bệnh trước đó), do vậy nó có thể khiến bệnh không lây từ người sang người.

Theo lý thuyết này, tỷ lệ dân số miễn dịch hoặc ít mắc bệnh càng cao thì khả năng một người dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh càng thấp.

"Không có bằng chứng về khả năng miễn dịch suốt đời sau một lần nhiễm virus"-  ông Chung Nam Sơn nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn