MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia Chung Nam Sơn. Ảnh: Hoàn cầu Thời báo

Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc tuyên bố sốc về nguồn gốc COVID-19

Khánh Minh LDO | 27/02/2020 15:32
Chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho biết, dịch COVID-19 có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo ngày 27.2, ông Chung Nam Sơn (Zhong nanshan) nói rằng, mặc dù virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng dịch COVID-19 không nhất thiết bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ông Chung đưa ra phát biểu trên mà không giải thích gì thêm trong cuộc họp báo do chính quyền Quảng Châu và Đại học Y Quảng Châu phối hợp tổ chức.

Virus Corona mới gây dịch COVID-19 được cho là bắt nguồn từ chợ hải sản Vũ Hán. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng, virus có thể bắt đầu lây từ người sang người vào cuối tháng 11.2019 từ một nơi khác không phải chợ hải sản Hoa Nam. Nghiên cứu được công bố trên ChinaXiv, kho lưu trữ mở của Trung Quốc dành cho các nhà nghiên cứu khoa học.

Trước đó, cũng có nhiều giả thuyết cho rằng virus gây dịch COVID-19 bắt nguồn từ dơi. Tuy nhiên, tạp chí y khoa The Lancet mới đây đăng nghiên cứu của ông Ngô Tấn Tường, người tham gia điều tra nguyên nhân dịch SARS năm 2003, cho rằng chuột là vật chủ truyền virus Corona mới.

Tại cuộc họp báo ngày 27.2, ông Chung Nam Sơn cho biết, Trung Quốc tự tin có thể ngăn chặn dịch COVID-19 vào cuối tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên ông Chung Nam Sơn chỉ ra rằng việc phát triển các loại thuốc mới chống lại COVID-19 không thể hoàn thành trong 20 ngày hoặc thậm chí một tháng, đòi hỏi phải tích lũy thời gian lâu dài.

Theo ông Chung, một bệnh nhân COVID-19 có thể lây nhiễm trung bình từ hai đến ba người, khiến bệnh nặng hơn SARS. Tuy nhiên, ông nói rằng lý tưởng nhất, bệnh nhân COVID-19 đã chữa khỏi ít có khả năng bị tái nhiễm.

“Điều trị trước, nghiên cứu sau” - tờ Global Times dẫn lời ông Chung cho biết, lưu ý rằng trước tiên các loại thuốc mới sẽ được thử nghiệm cẩn thận và có kiểm soát trước khi chúng được sử dụng cho bệnh nhân.

Ông Chung đánh giá cao sự can thiệp kịp thời từ chính phủ Trung Quốc và các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát chung trên toàn quốc, đã giúp ngăn chặn thành công dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc.

Ông Chung Nam Sơn cũng tiết lộ rằng ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc với Hiệp hội hô hấp Châu Âu (ERS) vào cuối tuần này qua livestream.

Chuyên gia hô hấp Trung Quốc cho biết cần có thêm sự hợp tác quốc tế, bao gồm thiết lập một cơ chế dài hạn.

Có 433 ca nhiễm COVID-19 và 29 ca tử vong được báo cáo vào ngày 26.2 tại Trung Quốc, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 78.497, với 2.744 ca tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn