MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lũ lụt nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều đô thị ở Trung Quốc. Nguồn: CCTV/Reuters

Chuyên gia hiến kế để Trung Quốc ngăn lũ lụt sông Dương Tử tồi tệ hơn

Thanh Hà LDO | 23/07/2020 07:59

Trong bối cảnh lũ lụt ở Trung Quốc, chuyên gia Qingfeng Zhang thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, Trung Quốc cần hành động ngay bây giờ để ngăn lũ lụt ở sông Dương Tử trở nên tồi tệ hơn.

Lũ lụt tồi tệ theo chu kỳ 10 năm

Lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc là hệ quả của gió mùa năm nay bắt đầu sớm hơn mọi năm, theo chuyên gia Qingfeng Zhang- Giám đốc phòng Môi trường, các nguồn tài nguyên và nông nghiệp của bộ phận Đông Á của ADB. Lũ lụt nặng nề đã ảnh hưởng đến 38 triệu người và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp 11,8 tỉ USD.

Lưu vực sông Dương Tử ở phía nam Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt kể từ đầu tháng 6 năm nay. Hàng trăm con sông nhỏ có lưu vực từ vừa tới nhỏ, cũng như các hồ chứa nước lớn ở Trung Quốc, trong đó có hồ Động Đình, Bà Dương và Thái Hồ, đều đã dâng nước lên mức cao nhất trong lịch sử, Nikkei cho hay. 

Lũ lụt sông Dương Tử gây ngập các khu dân cư ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Lũ lụt năm nay chắc chắn không phải là lần đầu tiên xảy ra, theo ông Qingfeng Zhang. Cứ 10 năm một lần, lưu vực sông Dương Tử trải qua đợt lũ lớn gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế và môi trường. Các yếu tố con người và sinh thái như đô thị hóa đẩy mạnh khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. 

Trong bối cảnh đó, chuyên gia ADB chỉ ra 5 giải pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện để giảm thiểu tổn thất do lũ lụt gây ra đồng thời tối đa hóa các lợi ích của phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh, giải pháp để lũ lụt sông Dương Tử không trở nên tồi tệ hơn gắn với các vấn đề phức tạp về tài chính, xã hội, thủ tục và kỹ thuật...

5 giải pháp giảm thiểu lũ lụt

Giải pháp đầu tiên và tối quan trọng là cải tạo các biện pháp kiểm soát lũ đã già cỗi như đê điều và hồ chứa, giám đốc phòng Môi trường, các nguồn tài nguyên và nông nghiệp của bộ phận Đông Á của ADB chỉ ra.

Có hơn 80.000 hồ chứa ở Trung Quốc, trong đó có khoảng 50.000 hồ thuộc lưu vực sông Dương Tử, không trữ nước tới định mức dự kiến bởi bị rò rỉ, các đập không ổn định và khả năng thoát nước không đáp ứng được yêu cầu khi cần xả lũ khẩn cấp.

Theo chuyên gia Zhang, cải tạo những hồ chứa là phương pháp chi phí thấp góp phần giảm thiểu lũ lụt và ít ảnh hưởng xấu tới môi trường, con người so với xây các hồ chứa mới.

Thêm vào đó, cách tiếp cận dựa trên tự nhiên như đê kè sinh thái, bảo vệ các vùng đất ngập nước và khôi phục hệ sinh thái là điều cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt. 

Thứ hai, theo chuyên gia ADB, bảo tồn sinh thái đóng vai trò quan trọng trong giảm nhẹ lũ lụt. Một lượng lớn các vùng đất ngập nước ở Trung Quốc từng là rào chắn lũ tự nhiên đã bị phá hủy với tỉ lệ hàng năm khoảng 9% kể từ những năm 1950. 

Khoảng 1,3 triệu ha diện tích mặt nước và vùng đệm chủ yếu ở các hồ Động Đình, Bà Dương và Thái Hồ đã được khai hoang để phát triển nông nghiệp và đô thị hóa, khu vực này ở các hồ còn lại cũng bị giảm đáng kể do quá trình bồi tụ.

Trách nhiệm quản lý rủi ro lũ lụt vẫn được phân chia giữa một số cơ quan dù Trung Quốc mới đây đã có cải cách, chuyên gia Zhang chỉ ra trong giải pháp thứ 3. Theo đó, vai trò của chính quyền ở các địa phương lưu vực sông cần được tăng cường để có thể phối hợp một cách đầy đủ. 

Giải pháp giảm thiểu lũ lụt Trung Quốc thứ 4 được đề cập là giải quyết bất bình đẳng xã hội và giới tính. Nghèo đói là cả nguyên nhân và hậu quả của sự tổn thương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi các hộ gia đình sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp.

Ở những khu vực không đủ điều kiện vệ sinh, lũ lụt có thể dẫn tới ngập nhà vệ sinh, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất và suy thoái môi trường nói chung. Do đó, tăng cường cách tiếp cận quản lý vệ sinh và sức khỏe cộng đồng an toàn là tối quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Thêm vào đó, hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt nên được gắn chặt vào hệ thống dựa trên cộng đồng. 

Các cơ chế tài chính là công cụ giảm thiểu tác động của tổn thất về kinh tế do lũ lụt là giải pháp thứ 5 được đề cập. Theo đó, tiềm năng của các sản phẩm tài chính - trong đó có bảo hiểm, các cơ sở nợ tiềm tàng, chịu rủi ro chung và các cơ chế mới nổi khác để điều chỉnh quy hoạch và khả năng hồi phục hệ sinh thái - vẫn chưa được khai thác.

Theo chuyên gia ADB, để ngăn lũ lụt sông Dương Tử tồi tệ hơn, ngay từ bây giờ, chính phủ Trung Quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, khu vực tư nhân, ngân hàng thương mại, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự phải hợp tác chặt chẽ với nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn