MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia nói về tần suất thăm Trung Quốc "chưa từng thấy" của ông Kim Jong-un

Hạ Anh LDO | 20/06/2018 07:30
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có chuyến thăm 2 ngày tới Bắc Kinh bắt đầu từ 19.6.

AP nhận định, chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh, được kỳ vọng là cách để làm nổi bật vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực của Mỹ nhằm khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đang gây nhiều tác động từ hậu trường", Bonnie Glaser - cố vấn cấp cao về Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói. Theo ông Glaser, ông Kim Jong-un sẽ trực tiếp thông báo với ông Tập Cận Bình về nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Chuyên gia CSIS cho rằng, với Trung Quốc, ưu tiên là đảm bảo vai trò của Bắc Kinh trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa ước hòa bình nào và tạo ra một môi trường trên bán đảo Triều Tiên mà sự hiện diện của quân đội Mỹ là không còn cần thiết.

Trong các chuyến thăm trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc không công bố về chuyến thăm cho đến khi ông Kim Jong-un trở về. Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh dường như đang cố gắng bình thường hóa những chuyến thăm này.

Cheng Xiaohe - Phó giáo sư trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Renmin, Bắc Kinh - cho hay, không giống những chuyến thăm trước đó, lần này, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV thông tin về chuyến thăm trước khi ông Kim Jong-un xuất phát.

"Đây là một sự cải tiến. Điều này cho thấy Trung Quốc đang hướng tới một hướng đi có lợi và bình thường hơn trong quan hệ với Triều Tiên", ông Cheng nói, đồng thời nhấn mạnh tần suất thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un là "chưa từng thấy".

Yang Mu-jin - Giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, cho biết những chuyến thăm liên tục của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh trong năm nay cho thấy mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước do việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng đã được dỡ bỏ hoàn toàn.

"Tôi tin rằng, nó cho thấy liên minh "máu thịt" giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã được khôi phục hoàn toàn", Giáo sư Yang nói.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại lớn giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đưa hai bên tới gần hơn với một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.

AP nhận định, một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ có thể khiến Trung Quốc hạn chế sử dụng sức ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên.

"Chiến tranh thương mại toàn diện tiềm tàng sẽ khiến hợp tác Trung - Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên phức tạp hơn. Sẽ có một dấu hỏi lớn về việc liệu Trung Quốc và Mỹ có tiếp tục sự hợp tác này", phó giáo sư Cheng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn