MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Reuters

Chuyên gia Pháp: Không dễ gì buộc Bình Nhưỡng lui bước

Ngọc Vân LDO | 23/08/2017 09:30
Hành động của Triều Tiên là có lý - tờ Le Monde dẫn nhận định của ông Francois Heisbourg, chuyên gia về địa chính trị và chiến lược cho biết.

Trong bài phỏng vấn, chuyên gia Heisbourg giải thích, Triều Tiên đang tự trang bị sức mạnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Đó là một quá trình, chứ không phải một trạng thái.

Bình Nhưỡng có khả năng phóng tên lửa hạt nhân tới các mục tiêu tầm ngắn và tầm trung, chẳng hạn Hàn Quốc hay Nhật Bản. So với hai quốc gia trên, đúng là Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân, nhưng so với Mỹ, thì chưa. Triều Tiên vẫn còn phải tiến thêm nhiều nấc thang nữa.

"Cho tới giờ, Triều Tiên mới chỉ thành công ở khoảng cách gần và với tốc độ tên lửa thấp. Chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên thành công ở tầm xa hơn. Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Từ nay tới hết thập niên này, tức là chỉ trong vòng 2-3 năm nữa, Triều Tiên sẽ có thể phóng tên lửa hạt nhân tới tận Washington hoặc New York" - RFI dẫn lại bài phỏng vấn trên tờ Le Monde cho biết.

Theo ông Heisbourg, Bình Nhưỡng nói muốn có vũ khí hạt nhân để ngăn không cho Mỹ tấn công Triều Tiên. "Họ dựa vào bài học từ Iraq và Lybia. Nỗi lo sợ của họ có thể không có cơ sở nhưng là có thực. Vì thế, cách cư xử của họ cũng là hợp lý thôi" - chuyên gia nhận định.

Ông Heisbourg khẳng định, Mỹ biết rất rõ Triều Tiên. Tuy nhiên, để nói những hành động của ông Donald Trump sai lầm hay có lý thì "chúng ta chỉ có thể đánh giá mức độ thành công của một chính sách căn cứ vào kết quả của chính sách đó. Giờ thì còn quá sớm để đánh giá chính sách của Tổng thống Donald Trump. Nhưng chúng ta cũng không nên tự đánh lừa bản thân: ông Donald Trump thực sự là ông chủ của ngành ngoại giao Mỹ, và ông ấy tin rằng chính sách của ông ấy tất sẽ khiến Triều Tiên thất bại".

Theo chuyên gia Pháp, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cần có một chương trình thảo luận đa phương, như đã làm với Iran. Châu Âu có thể có một vai trò nhất định. Pháp và Anh đã tham gia chiến tranh Triều Tiên, và ít nhất là về lý thuyết, Pháp và Anh vẫn có trách nhiệm về chuyện này.

Nhưng khác với Iran, Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là niềm tự hào dân tộc và không dễ gì buộc Bình Nhưỡng lui bước. Nhất là khi chỉ còn khoảng 3 năm nữa là Triều Tiên sẽ thành mối đe dọa trực tiếp cho Hoa Kỳ. Đó là điều Mỹ đang lo ngại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn