MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia quốc tế: Omicron có thể biến đại dịch thành bệnh đặc hữu

Bảo Châu LDO | 22/01/2022 19:01

Biến thể Omicron xuất hiện và quét qua Nam Phi với tốc độ chưa từng thấy trong đại dịch khiến thế giới lo sợ về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nhưng hai tháng sau, tình hình đã diễn ra theo chiều hướng không như dự đoán.

Omicron thay đổi quy tắc cuộc chơi

Câu hỏi mà các nhà khoa học và toàn xã hội sẽ phải đối mặt trong suốt năm 2022 là khi nào giai đoạn COVID-19 hiện tại sẽ chấm dứt và trở thành bệnh đặc hữu (khi virus vẫn tiếp tục lưu hành nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được)?

Các chuyên gia không mong đợi COVID-19 sẽ biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, cuối cùng nó sẽ đi đến một giai đoạn tương tự như một số bệnh khác, với “hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ, có thể tái nhiễm nhiều lần và hình thành khả năng miễn dịch” - Mark Woolhouse, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm dịch tễ học tại Đại học Edinburgh cho biết, nói rằng đó là tình huống mà các nhà khoa học mong đợi. Chúng ta sẽ ít nhiễm bệnh hơn nếu có miễn dịch hoặc đã tiêm vaccine.

Đó là lý do tại sao mức độ nghiêm trọng giảm bớt của Omicron là rất quan trọng - nó bổ sung thêm một lớp miễn dịch, nhưng không đi kèm với nguy cơ nhập viện như làn sóng COVID-19 đã diễn ra trong phần lớn năm 2021. Theo một nghiên cứu của Scotland, Omicron giảm 2/3 nguy cơ nhập viện so với Delta. Trong khi đó, Nam Phi đưa ra con số tương tự là 80%.

Giáo sư Woolhouse nói: "Hơn một nửa thế giới hiện đã tiếp xúc với virus hoặc đã tiêm vaccine. Các quy tắc của trò chơi đã thay đổi".

Các chuyên gia tự tin rằng, tiền lệ trong quá khứ cho thấy virus có thể tiến hóa thành các phiên bản ít nghiêm trọng hơn và cuối cùng sẽ bị tiêu diệt bởi các vũ khí phòng vệ của con người vào mùa cúm và cảm lạnh hàng năm. Lịch sử các căn bệnh lây nhiễm chỉ ra có 4 loại virus corona đã trở thành đặc hữu và dường như COVID-19 sẽ là thứ 5. Trước đó, nổi bật nhất là bệnh cúm Nga vào cuối thế kỷ 19 và cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ 20.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng Omicron đưa chúng ta đến gần giai đoạn đó hơn. Nhưng một cảnh báo quyết định tốc độ chúng ta sẽ đi đến đó - không phụ thuộc vào biến thể hiện tại mà phụ thuộc vào biến thể tiếp theo.

“Một câu hỏi mở là Omicron liệu có trở thành một loại vaccine sống mà mọi người đang mong đợi hay không bởi vì sẽ có rất nhiều biến thể mới xuất hiện” - Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nói. “Tôi hy vọng chúng ta đang theo chiều hướng này” – ông bày tỏ và nói thêm rằng thế giới đã "may mắn" khi Omicron không có nhiều đặc điểm giống biến thể Delta.

Cuộc chạy đua hướng tới bệnh đặc hữu

Về mặt dịch tễ học, Omicron đã đưa ra một số dấu hiệu lạc quan, nhưng phần lớn phụ thuộc vào cách chủng virus này tiến hóa tiếp theo.

Tuy nhiên, đại dịch không chỉ diễn biến theo guồng quay của virus, mà còn có thể được định hướng bởi hành vi của con người và động thái chính trị. Khi thế giới đang chuẩn bị kỷ niệm 2 năm đại dịch COVID-19, các dấu hiệu về một cuộc chạy đua hướng tới bệnh đặc hữu cũng bắt đầu xuất hiện.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, người chủ trì một trong những đợt triển khai tiêm chủng hiệu quả nhất của phương Tây, đầu tháng 1.2022 tuyên bố trước truyền thông rằng đã đến lúc "đánh giá diễn biến của COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu". Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha cũng đã đưa quan điểm đó đến với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu.

Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi, từng giám sát việc triển khai vaccine của Vương quốc Anh, mong muốn Vương quốc Anh "chứng minh cho thế giới thấy cách chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu".

Quan điểm này cũng đang được áp dụng ở các quốc gia như Đan Mạch, nơi các biện pháp hạn chế COVID-19 đã bị loại bỏ và sau đó được tái áp dụng vào năm 2021. Tyra Grove Krause - một quan chức tại Viện huyết thanh Statens (SSI) phụ trách các bệnh truyền nhiễm trong nước -  tuyên bố Omicron có thể "đưa chúng ta" thoát khỏi đại dịch và đưa Đan Mạch trở lại trạng thái bình thường trong vòng 2 tháng.

Giáo sư về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm David Heymann thuộc Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London cho biết, Ngày càng nhiều quốc gia đang tìm cách "chuyển giao việc đánh giá rủi ro cho người dân” thông qua nới lỏng các quy tắc và khuyến khích tự kiểm tra, quyết định cá nhân về việc đeo khẩu trang và cách ly.

Theo chuyên gia, về mặt định nghĩa, đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi nó chấm dứt đối với tất cả mọi người, ở mọi nơi. Do đó cần tập trung vào việc tiêm đủ vaccine COVID-19 cho những người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn ở nhiều khu vực nghèo hơn trên thế giới - đặc biệt là ở Đông Âu, Trung Á và phần lớn của Châu Phi - khiến những nơi này đặc biệt dễ bị đe dọa bởi các biến thể mới đáng lo ngại hoặc các đợt nhập viện nghiêm trọng hơn.

Giáo sư Heymann nói: “Một đại dịch có nhiều thành phần khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Tôi nghĩ rằng COVID-19 ở các quốc gia sẽ trở thành bệnh đặc hữu với tỉ lệ khác nhau".

Điều này làm tăng thêm mức độ chắc chắn cho câu hỏi liệu Omicron có đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn