MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ thuỷ điện Tân An Giang xả lũ ngày 7.7. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chuyên gia thủy điện: Trung Quốc cần xây thêm nhiều đập ngăn lũ

Song Minh LDO | 08/07/2020 12:15

Phó tổng thư ký Hiệp hội kỹ thuật thủy điện Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc cần xây thêm nhiều hồ chứa lớn để cải thiện hệ thống kiểm soát lũ lụt.

Do mưa to kéo dài, miền nam Trung Quốc gần như năm nào cũng chịu lũ lụt lớn. Kể từ đầu năm nay, nhiều vùng miền nam Trung Quốc đã hứng chịu những trận mưa xối xả, nhất là trong tháng 6.

Năm nay, lũ lụt - do biến động khí hậu tự nhiên và sự gia tăng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu - đã nghiêm trọng hơn so với những năm trước.

Tờ China Daily dẫn lời ông Zhang Boting, Phó tổng thư ký Hiệp hội kỹ thuật thủy điện Trung Quốc, cho rằng, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn lũ lụt ở các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bằng cách thực hiện các chương trình bảo tồn nước hiệu quả, chính quyền có thể kiểm soát lũ tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Theo ông Zhang, mặc dù lượng mưa năm nay phá vỡ kỷ lục 80 năm qua ở nhiều nơi, nhưng tổn thất về người và tài sản sẽ không cao do quản lý hiệu quả các công trình nước trong lũ lụt. Tuy nhiên, cuộc sống và tài sản của người dân cần được bảo vệ tốt hơn.

Mặc dù những siêu đập, như đập Tam Hiệp, đã gây ra những tranh cãi lớn do tác động sinh thái, chi phí cao và việc di dời cư dân, Trung Quốc vẫn không có đủ các công trình bảo tồn nước. Đặc biệt, dung tích của các hồ chứa trên các sông lớn và hệ thống thoát nước ở một số thành phố của Trung Quốc cần được cải thiện hơn nữa - theo ông Zhang.

Mỹ có diện tích tương tự Trung Quốc, nhưng dung tích hồ chứa của Mỹ cao hơn 50% so với Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc có khả năng lưu trữ 900 tỉ mét khối nước, trong khi đối với Mỹ là 1,3 nghìn tỉ mét khối.

Do đó, lượng mưa có thể áp đảo các hồ chứa của Trung Quốc và gây ra lũ lụt với lượng nước ngọt khổng lồ chảy ra biển, trong khi đó nếu ở Mỹ lượng nước này có thể được chuyển thành nguồn nước có giá trị nhờ khả năng trữ nước lớn hơn.

Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc, chẳng hạn, đang trải qua một trong những trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, chủ yếu là do khả năng lưu trữ không đủ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Dương Tử. 

Mối đe dọa đã được củng cố thêm bởi tin tức rằng tất cả các đập thủy điện trên sông Kim Sa, một nhánh của sông Dương Tử ở thượng nguồn, đã hoạt động hết công suất.

Trong những trận lụt lớn, cũng có tin đồn về nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, theo ông Zhang, đây là những tin đồn vô căn cứ.

Theo ông Zhang, dữ liệu lịch sử có thể xóa tan một số hiểu lầm về vai trò của đập Tam Hiệp trong lũ lụt, đồng thời nhắc nhở chính phủ và công chúng rằng cách tốt nhất để ngăn chặn lũ lụt ở Trùng Khánh là xây dựng nhiều hồ chứa nước dựa trên nghiên cứu khoa học.

Trung Quốc đã chọn lọc xây dựng một số đập thủy điện trong thế kỷ trước do thiếu vốn, và chúng chủ yếu là các dự án trọng điểm với lợi ích xã hội toàn diện, tạo ra điện và giảm thiểu rủi ro lũ lụt. Vì vậy, chính quyền nên phân bổ nhiều nguồn lực hơn, bao gồm cả các quỹ, để xây dựng nhiều công trình bảo tồn nước hơn để cải thiện hệ thống kiểm soát lũ lụt ở Trung Quốc - Phó tổng thư ký Hiệp hội kỹ thuật thủy điện Trung Quốc nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn