MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các kệ hàng trống trơn ở chợ đầu mối Tân Phát Địa. Ảnh: China Health

Chuyên gia Trung Quốc: Không thể kết luận cá hồi là nguồn lây COVID-19

Song Minh LDO | 15/06/2020 07:37
Virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt của người bán cá hồi tại chợ đầu mối Bắc Kinh, liệu ăn cá hồi có an toàn?

Chợ Tân Phát Địa (Xinfadi), chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh, bị đóng cửa từ ngày 13.6 sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm COVID-19 mới có liên quan đến chợ và sau thông tin virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt của một người bán cá hồi nhập khẩu.

Theo các quan chức y tế địa phương, thông tin trên làm dấy lên những suy đoán về việc liệu cá hồi có thể lây lan virus hay không.

"Hiện tại, thật khó để xác định nguồn lây nhiễm ở chợ“ - CGTN dẫn lời ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nói với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.

"Chúng tôi không thể kết luận rằng cá hồi là nguồn lây nhiễm COVID-19 chỉ vì SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt của người bán" - chuyên gia Wu Zunyou nói và giải thích thêm rằng thớt có thể bị nhiễm virus bởi chủ hoặc khách bị nhiễm bệnh, hay các sản phẩm khác mang theo virus.

Chợ đầu mối Tân Địa Phát bị đóng cửa. Ảnh: CGTN
Theo ông Cheng Gong, nhà virus học tại Đại học Thanh Hoa, các vật chủ của virus Corona chủ yếu là động vật có vú, nên cá hồi gần như không thể bị nhiễm COVID-19.

"Virus phải liên kết với thụ thể trên bề mặt tế bào chủ để có thể xâm nhiễm vào tế bào. Nếu không có thụ thể nhất định, chúng không thể xâm nhập vào tế bào thành công. Tất cả các bằng chứng được biết cho đến nay cho thấy loại thụ thể này chỉ tồn tại ở động vật có vú, không phải cá" - Cheng giải thích.

Một nghiên cứu của Đại học College London cũng cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm một loạt các động vật có vú, nhưng không phải là cá, chim hay loài bò sát.

“Chợ có nhiều người và nhiều mặt hàng, thật khó để tìm ra nguồn lây nhiễm trong một thời gian ngắn. Chúng tôi cần thu thập các mẫu từ các kênh khác nhau để xác minh và kiểm tra tất cả những người và sản phẩm liên quan để hiểu được bức tranh tổng thể" - chuyên gia Wu nói.

Ăn cá hồi có an toàn?

Ưu tiên hiện nay là tìm ra nguồn gốc COVID-19 được phát hiện trên thớt - Zhong Kai, chuyên gia từ Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc nói, đồng thời khuyên công chúng không nên ăn cá hồi sống cho đến khi kết quả điều tra được công bố.

Zhong Kai cho biết, không có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây cho người trực tiếp qua thực phẩm và đồ uống, vì các đường lây truyền chính vẫn là những giọt hô hấp và tiếp xúc gần.

Tuy nhiên, virus có thể tồn tại trên bề mặt của vật thể trong vài giờ đến vài ngày và cá hồi ướp lạnh được vận chuyển ở nhiệt độ thấp, trong điều kiện "về mặt lý thuyết là virus có thể sống sót, nhưng khả năng thấp” - Zhong nói.

Các chuyên gia y tế lưu ý cần rửa sạch thực phẩm trước khi nấu nướng để bảo vệ bản thân khỏi virus. Ảnh: CGTN
So với việc ăn uống, quá trình mua và nấu nướng đối mặt với rủi ro cao hơn. CDC Trung Quốc khuyến cáo cần rửa sạch thực phẩm trước khi nấu, sử dụng dao thớt riêng cho thức ăn sống và thức ăn chín, ăn ngay sau khi nấu, rửa tay sạch sau khi nấu và trước khi ăn, để bảo vệ bản thân khỏi virus.

Đối với người tiêu dùng thông thường, Zhong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hàng ngày, như đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay thường xuyên

Cá có thể bị nhiễm SARS-CoV-2?

Không giống động vật hoang dã như cầy hương và dơi là vật chủ của virus Corona, cá không mang virus trong cơ thể - ông Wu giải thích và đưa ra một khả năng là bề mặt của cá có thể bị nhiễm virus từ người bị mắc bệnh.

"Và nếu cá bị nhiễm virus được chuyển đến Trung Quốc, công nhân Trung Quốc có thể đã bị nhiễm bệnh khi họ chế biến cá, và sau đó dẫn đến việc lây nhiễm từ người sang người. Nhưng đây chỉ là một suy đoán, cần xác nhận thêm thông qua điều tra dịch tễ học" - ông Wu nói thêm.

Chuyên gia Wu kêu gọi các cơ quan chức năng thắt chặt kiểm tra và kiểm dịch đối với các sản phẩm nhập khẩu và làm lạnh để ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn