MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng viên vaccine COVID-19 đựng trong ống tiêm dùng 1 lần tại trung tâm phân phối của Sanofi ở Val de Reuil, Pháp. Ảnh: AFP.

Chuyên gia WHO: Tạm dừng thử nghiệm vaccine COVID-19 là "lời cảnh tỉnh"

Lê Thanh Hà LDO | 11/09/2020 12:54

Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc tạm dừng thử nghiệm vaccine COVID-19 của AstraZeneca cũng chính là một "lời cảnh tỉnh".

Hôm 8.9, Công ty dược phẩm AstraZeneca (Anh) thông báo tạm dừng thử nghiệm ở giai đoạn ba trên người đối với ứng viên vaccine COVID-19 phát triển cùng với Đại học Oxford, sau khi một tình nguyện viên có dấu hiệu phản ứng phụ nghiêm trọng tiềm ẩn. Chia sẻ trên CNBC, AstraZeneca cho hay việc trì hoãn là “hành động thường thấy” bất cứ khi nào cần điều tra bệnh không rõ nguyên nhân.

Nhà khoa học trưởng của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, hôm 10.9 cho biết dư luận không cần phải “quá nản lòng” với tình hình.

"Khi bạn làm điều gì đó luôn có những kịch bản sẽ xảy ra. Dừng thử nghiệm vì có tác dụng phụ, một lần nữa, đây là quy trình thông thường...", Tiến sĩ nói và cho biết thêm dù WHO hy vọng việc thử nghiệm vaccine sẽ sớm tiếp tục, nhưng cần chờ thêm thông tin được cung cấp bởi một ban giám sát dữ liệu và an toàn.

“Tôi nghĩ đây có lẽ là một lời cảnh tỉnh hoặc một bài học để mọi người nhận ra thực tế rằng có những thăng trầm trong nghiên cứu, phát triển lâm sàng và chúng ta phải chuẩn bị cho những điều đó", Tiến sĩ nói.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca là một trong ba ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng ở người giai đoạn cuối, cùng với Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, Pascal Soriot, giám đốc điều hành của AstraZeneca, cho biết hôm 10.9, miễn là các thử nghiệm sớm được tiếp tục, công ty này vẫn có thể có vaccine vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

WHO đã xác định hiện có hơn 160 ứng cử viên vaccine COVID-19 đang được phát triển, trong đó gần 30 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm tiên tiến hơn trên người. Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất thuốc chạy đua với thời gian, những câu hỏi xung quanh độ an toàn đã xuất hiện.

Khi được hỏi về thời gian ra đời của một loại vaccine, Tiến sĩ Swaminathan cho hay thường mất tối thiểu sáu tháng trước khi các nhà nghiên cứu bắt đầu thấy kết quả từ các thử nghiệm giai đoạn cuối trên người. Một số thử nghiệm đã bắt đầu vào tháng 7, nên “rất có thể” kết quả tạm thời có thể biết vào cuối năm, mặc dù các cơ quan quản lý sẽ mất nhiều thời gian hơn để kiểm tra và cấp phép.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, nhận định việc phát triển và phê duyệt vaccine COVID-19 "không phải là cuộc đua giữa các công ty hay giữa các quốc gia".

“Đây là cuộc chạy đua với thời gian, cuộc chạy đua chống lại virus để cứu lấy mạng sống. Nhưng chúng ta đừng đặt cược vào bất kỳ con ngựa nào cho đến khi đi đến cuối cuộc đua này”, ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn