MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EU phản đối Mỹ áp thuế 25% với các mặt hàng thép nhập khẩu. Ảnh: BBC

Chuyện khiêu chiến và tiếp chiến thương mại

NGẠC NGƯ LDO | 04/06/2018 10:34

Bất chấp cả cầu khẩn lẫn thôi thúc, cả thiện chí đàm phán lẫn đe doạ trả đũa của EU, Trung Quốc và các đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết định thực thi những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của các đối tác này khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Trả đũa qua lại

Đối với EU và các đối tác khác, Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại cho những sản phẩm như thép, nhôm và xe ôtô, trong khi đối với Trung Quốc thì cả mức độ lẫn phạm vi áp dụng của Mỹ đều lớn hơn rất đáng kể. Ông Donald Trump không coi EU là trường hợp ngoại lệ lâu hơn nữa. Ông cũng không cho Canada được chờ đợi đến khi chuyện đàm phán lại thoả thuận về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) kết thúc. Ông Donald Trump còn bất chấp cả việc vừa mới đây thôi, Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận về thương mại sau 2 vòng thương thảo với kết quả theo chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã giúp 2 nước “tránh được chiến tranh thương mại”. EU và Trung Quốc trả đũa Mỹ ngay bằng phương cách tương tự, có nghĩa là cũng áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường của họ. EU và Canada còn tuyên bố sẽ khởi kiện Mỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Mỹ khiêu chiến và các đối tác kinh tế, thương mại của Mỹ buộc phải tiếp chiến. Ông Donald Trump muốn dùng những biện pháp chính sách này để giảm mức nhập siêu của Mỹ trong quan hệ thương mại của Mỹ với các đối tác kia và để giúp các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ liên quan ở Mỹ phát triển. Thực chất ở đây là, Mỹ ép các đối tác phải xuất khẩu ít hơn vào Mỹ và nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ. Thực chất ở đây cũng còn là loại trừ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài để các ngành kinh tế ở Mỹ phát triển.

Ông Donald Trump chấp nhận và thậm chí chủ ý xung khắc thương mại và thậm chí cả chiến tranh thương mại với các đối tác bên ngoài nhằm mục tiêu ấy. Những biện pháp chính sách này của ông Donald Trump gây thiệt hại lớn cho các đối tác, nhưng sự trả đũa của họ cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho Mỹ. Suy cho cùng thì không có bên thắng mà sẽ chỉ có toàn bên thua nếu ông Donald Trump xô đẩy Mỹ và các đối tác vào xung khắc và chiến tranh thương mại.

Ảnh hưởng tiêu cực

Những biện pháp chính sách này ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với các đối tác liên quan của Mỹ. Chẳng hạn như hiện tại, Mỹ đã bị cô lập hoàn toàn trong nhóm G7. Chẳng hạn như sự phân rẽ giữa Mỹ và các nước khác trong khối phương Tây trở nên ngày càng sâu sắc và nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như, sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và các đối tác đã bị tổn hại rất nặng nề.

Ông Donald Trump khiêu chiến các đối tác về thương mại, trong khi ông lại cần nhiều trong số những đối tác này để xử lý chuyện quan hệ của Mỹ với một số đối tác khác. Chẳng hạn như, Mỹ không thể không cần EU để đối phó với Iran, nhất là khi Mỹ đang muốn xử lý lại toàn bộ quan hệ của Mỹ với Iran sau quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Hay như Mỹ cần sự ủng hộ và đóng góp tích cực và xây dựng của Trung Quốc để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ngày 12.6 tới, tại Singapore, ông Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên. Cuộc gặp này sẽ đưa đến thoả thuận giữa Mỹ và Triều Tiên - nếu không chắc chắn có được kết quả này thì ông Donald Trump sẽ không đến Singapore để gặp ông Kim Jong-un. Thoả thuận có thể là chuyện riêng của Mỹ và Triều Tiên. Nhưng việc thực hiện thoả thuận lại không chỉ phụ thuộc vào có 2 nước này mà còn vào một số đối tác khác, trong đó trước hết là Trung Quốc.

Cho nên có thể nhận thấy, ông Donald Trump khiêu chiến thương mại với các đối tác cho dù biết rằng, không thể thắng được trong cuộc chiến ấy vì cái trước mắt chứ không phải vì cái lâu dài. Cái trước mắt này chỉ có thể là trang trải nhu cầu đối nội, mà cụ thể hơn là tranh thủ cử tri cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Nếu Đảng Cộng hoà ở cuộc bầu cử năm nay không bảo vệ được đa số hiện có trong lưỡng viện lập pháp thì ông Donald Trump không chỉ rất khó khăn trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại, mà thêm nữa, khó bảo tồn được cơ may tái đắc cử trong lần bầu cử tổng thống tới ở Mỹ.

Để tranh thủ cử tri, ông Donald Trump muốn gây dựng hình ảnh tổng thống kiên định, quyết tâm thực hiện mọi cam kết tranh cử, đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”. Đối với ông Donald Trump, tác động cũng như hậu quả và hệ luỵ lâu dài đối với nước Mỹ như thế nào là chuyện khác, hiện không được tính đến và nếu có thì sớm nhất cũng phải sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn