MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt nạ vàng được khai quật ở di tích khảo cổ Trung Quốc Tam Tinh Đôi. Ảnh: Xinhua

Chuyện mới kể về mặt nạ vàng ở di tích khảo cổ Trung Quốc 3.000 năm

Khánh Minh LDO | 08/04/2021 15:45
Chiếc mặt nạ vàng chỉ còn một nửa ở di tích khảo cổ Trung Quốc Tam Tinh Đôi đã thu hút sự chú ý lớn từ giới học thuật và công chúng.

Vào cuối tháng 3, các nhà khảo cổ Trung Quốc thông báo những phát hiện quan trọng tại khu di chỉ khảo cổ huyền thoại Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, giúp làm sáng tỏ nguồn gốc thống nhất nhưng đa dạng của nền văn minh Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đưa tin, Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc cho hay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 6 hố hiến tế mới và khai quật hơn 500 cổ vật có niên đại khoảng 3.000 năm.

Tại một trong những hố mới, các nhà khảo cổ đã khai quật được một chiếc mặt nạ bằng vàng nặng 286 gram. Đây là chiếc mặt nạ vàng lớn nhất từng được phát hiện tại di tích Tam Tinh Đôi.

Một trong những nhà khảo cổ tham gia vào công việc khai quật cho biết: “Chúng tôi tìm thấy chiếc mặt nạ vào ngày 5.1 trong hố số 5. Ban đầu, chúng tôi chỉ nhìn thấy một phần của nó và nó không thu hút nhiều sự chú ý cho đến khi ngày càng nhiều vàng lộ ra".

Các nhà khảo cổ đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn bộ món đồ.

"Đó là một bất ngờ thú vị" - giáo sư Li Yingfu thuộc Trường Khảo cổ học và Nghiên cứu Thần học thuộc Đại học Tứ Xuyên nói. Nhân viên của trường là một phần của nhóm khai quật tại địa điểm này.

Nhưng thách thức tiếp theo là làm thế nào để khai quật chiếc mặt nạ một cách an toàn và khoa học.

Giáo sư Li nói không khó để lấy chiếc mặt nạ ra khỏi hố vì tình trạng vàng vẫn ổn định. Tuy nhiên, sau khi bị chôn vùi hàng nghìn năm, "nếu chúng ta chỉ đơn giản lấy chiếc mặt nạ ra, chúng ta có thể phá hủy mối liên hệ giữa các di tích bị chôn vùi và bỏ lỡ những câu chuyện đằng sau chúng" - giáo sư Li phân tích.

Ông Li nói thêm rằng, trong quá trình lịch sử lâu dài của di chỉ khảo cổ, một số thông tin có thể đã bị mất. Vì vậy, điều quan trọng là phải bảo tồn và truy xuất những thông tin còn lại càng nhiều càng tốt để hiểu được cuộc sống của những người cổ đại từng ở đó.

Sau khi thảo luận, các nhà khảo cổ học vào ngày 2.2 đã quyết định cẩn thận lấy chiếc mặt nạ đã bị biến dạng và gửi nó đến một phòng thí nghiệm để làm sạch và sửa chữa.

Nhưng vì chỉ một nửa chiếc mặt nạ được khai quật, nên câu hỏi đặt ra là nửa còn lại ở đâu? Ông Li nói, nửa còn lại có thể đã bị chảy ra do bị đốt cháy.

"Đồ trang trí bằng vàng có nhiệt độ nóng chảy khá thấp, và dựa trên dấu hiệu cháy trên các di vật mà chúng tôi tìm thấy trong hố, chúng tôi nghĩ rằng nửa còn lại có thể đã bị cháy. Nhưng ai biết được? Có lẽ nó còn đang chờ được phát hiện" - ông Li cho hay.

Di tích Tam Tinh Đôi được mệnh danh là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Một người nông dân tình cờ phát hiện ra địa điểm này khi anh ta đào mương vào những năm 1920. Khu di tích rộng 12km2 nằm ở thành phố Quảng Sơn, cách thủ phủ Thành Đô khoảng 60km. Di chỉ được cho là tàn tích của Thục quốc, tồn tại hơn 2.000 năm và có niên đại ít nhất 4.800 năm.

Năm 1986, một số lượng lớn các cổ vật độc đáo đã được khai quật ở hố số 1 và số 2, làm dấy lên sự quan tâm của toàn cầu. Cho đến nay, hơn 50.000 di vật đã được khai quật tại Tam Tinh Đôi.

Trung Quốc đã xếp Tam Tinh Đôi là di tích cấp nhà nước vào năm 1988.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn