MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện những người nhặt đồng nát ở Mỹ

Phương Linh LDO | 31/10/2021 16:31
Thành phố New York, Mỹ, ước tính có đến 10.000 người làm công việc nhặt vỏ lon kiếm sống.

Trên một con phố Brooklyn thuộc thành phố New York hoa lệ của nước Mỹ, ông Laurentino Marin, 80 tuổi, không dừng lại để chiêm ngưỡng những món đồ trang trí Halloween. Giống như mọi buổi sáng thường ngày, người đàn ông Mexico đã cao tuổi này đang bận rộn đẩy một xe hàng chất đầy những chiếc vỏ lon và chai nhựa đã qua sử dụng. Nhờ chúng mà ông có thể đổi lấy một vài USD để sống qua ngày.

Ông Marin, đến từ Oaxaca, Mexico, chỉ là một trong số ước tính khoảng 10.000 người làm nghề nhặt vỏ lon ở thành phố New York, chủ yếu là những người nhập cư lớn tuổi từ Mỹ Latinh và Trung Quốc chuyên phân loại và tái chế đồ nhựa và lon nhôm.

Mệt mỏi và khom lưng, ông Marin dừng lại ở trước vỉa hè trước dãy ngôi nhà trong khu phố, nhấc nắp các thùng rác lên và thọc đôi tay bàn tay đeo găng vào tìm kiếm.

Ông cũng bới cả trong đống túi rác đang chất đầy trên vỉa hè đang chờ bộ phận vệ sinh của thành phố tới thu gom.

Có vẻ như hôm nay là một ngày thu hoạch kha khá của Marin, bọc nilon trong suốt chất trên xe đẩy của ông đã chứa đầy các loại vỏ lon đủ màu sắc.

"Hàng ngày tôi phải tìm nhặt vỏ lon để kiếm sống. Tôi không có ai giúp đỡ, không có việc làm, vì thế tôi phải tự mình tìm cách mưu sinh" - người đàn ông với khuôn mặt nhăn nheo run run nói bằng tiếng Tây Ban Nha.

Tất nhiên, công việc nhặt vỏ lon của ông Marin không có ông chủ, ông tự nhặt nhạnh sau đó mang đến đổi tại một trong những trung tâm tái chế tư nhân của thành phố. Với mỗi một vỏ lon, ông được nhận 5 cent.

Trung bình một ngày, ông kiếm được từ 30 đến 40 USD, đủ góp thêm vào thu nhập của cô con gái làm ở tiệm giặt là để chi trả khoản tiền 1.800 USD tiền thuê nhà hàng tháng.

Số tiền 5 cent được quy định trong luật tiểu bang New York năm 1982, còn gọi là "Luật về vỏ chai" nhằm khuyến khích người tiêu dùng tái chế. Số tiền đã không thay đổi trong gần 40 năm.

Judith Enck, người sáng lập phong trào chống ô nhiễm mang tên Beyond Plastics từng vận động cho luật vào thời điểm đó cho biết, luật thực sự hiệu quả trong việc giảm lượng rác thải trên toàn tiểu bang, đặc biệt là ở thành phố New York. Theo bà, số tiền hiện giờ nên được tăng lên gấp đôi thành 10 cent vì đây đã trở thành khoản thu nhập chính của nhiều gia đình.

Chính quyền bang cho biết luật này đã tạo điều kiện để tái chế 5,5 tỉ chiếc vỏ hộp nhựa, thủy tinh hoặc nhôm trên khắp New York chỉ trong năm 2020 - một nửa số rác thải của 8,6 tỉ mặt hàng được bán ra.

Những người nhặt vỏ lon là một phần quan trọng trong nỗ lực đó nhưng họ chỉ là thành phần lao động không chính thức, không được hưởng phúc lợi và bảo hiểm y tế đi kèm như các công việc chính thức.

Những con người khốn khó

Cô Josefa Marin, 52 tuổi, người gốc Mexico, cũng làm nghề nhặt vỏ lon cho biết: ''Nghề này thực sự vất vả, phải đi bộ rất nhiều mỗi ngày. Có những nơi người dân không thích những người như chúng tôi, họ xua đuổi chúng tôi như những con vật mà không hiểu rằng chúng tôi phải làm vậy để kiếm sống".

Nhiều người thậm chí gọi họ bằng từ ngữ không mấy thiện cảm là người nhặt rác mà không công nhận sự đóng góp của họ cho môi trường.

Cô Marin nói: “Chúng tôi đang giúp giữ gìn cho thành phố sạch sẽ. Nếu không có chúng tôi, tất cả đống đồ nhựa này sẽ thải ra cống rãnh và biển. Chúng tôi đang làm điều gì đó cho hành tinh, cho hệ sinh thái của chúng ta".

Ryan Castalia, Giám đốc trung tâm tái chế phi lợi nhuận Sure We Can ở Brooklyn, cho hay, trung tâm của anh thu hút rất nhiều người nhặt vỏ lon tới trao đổi. Nhiều trong số đó là người vô gia cư, từng đồng xu kiếm được đối với họ đều rất quý giá.

"Nhiều người gần giống như các doanh nhân nhỏ, sử dụng tiền bán vỏ lon để hỗ trợ gia đình hoặc duy trì sinh kế của chính họ. Họ giúp thu gom hàng nghìn vỏ lon mỗi ngày" - Ryan Castalia nói.

Mùa xuân năm 2020 đặc biệt khó khăn đối với những người nhặt vỏ lon khi đại dịch COVID-19 đã đóng cửa quán bar và nhà hàng ở thành phố New York.

Nhưng khi các việc làm khác đang dần bị thu hẹp, ngành công nghiệp lâu đời này vẫn tiếp tục thu hút lao động mới và thậm chí lại gia tăng sự cạnh tranh.

Alvaro, 60 tuổi, người Mexico, nói: “Tôi từng làm công nhân xây dựng. Thu nhập rất khá nhưng không có việc làm, vì thế trong suốt một năm tôi kiếm tiền từ việc nhặt vỏ lon. Tiền kiếm được chẳng đáng là bao vì có quá nhiều người làm việc này trên các đường phố''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn