MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và ông David Cameron tại số 10 Phố Downing, ngày 13.11.2023. Ảnh: Xinhua

Chuyện thời mới của người cũ

Ngạc Ngư LDO | 20/11/2023 09:29

Ở Anh và Luxembourg vừa rồi có chuyện xưa nay chưa từng thấy là thủ tướng đã từ chức hoặc mãn nhiệm trở thành thành viên chính phủ. Ở Anh, cựu Thủ tướng David Cameron được Thủ tướng Anh Rishi Sunak mời tham gia chính phủ làm bộ trưởng ngoại giao.

Ở Luxembourg, Thủ tướng Xavier Bettel được người kế nhiệm mời tham gia chính phủ mới và cũng làm bộ trưởng ngoại giao. Sự chuyển biến từ cương vị người đứng đầu nội các hoặc từng đứng đầu nội các thành chỉ còn một thành viên nội các thuần tuý trên danh nghĩa chẳng phải rất không bình thường hay sao? Việc này có khác biệt cơ bản với việc ông Donald Trump ở nước Mỹ không được tái đắc cử tổng thống hồi năm 2020 bây giờ đang nỗ lực để lại trở thành tổng thống Mỹ, hay ông Luis Inacio Lula da Silva ở Brazil lại đắc cử tổng thống Brazil sau nhiều năm đã từng có hai nhiệm kỳ tổng thống ở đất nước này.

Những người này đều từng có thời ở đỉnh cao quyền lực rồi hết quyền lực. Ông Lula da Silva không được luật pháp hiện hành cho phép ứng cử tổng thống lần thứ 3 liên tiếp. Ông Trump bị Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ hồi năm 2020. Ông Bettel bị thất cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Luxembourg. Còn ông Cameron từ chức thủ tướng Anh sau 6 năm cầm quyền bởi đa số cử tri Anh đã đồng tình đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit) trong cuộc trưng cầu dân ý trên đảo quốc về việc này hồi năm 2016.

Dù là đã có được thời quyền lực mới hay đang nhằm tới đó hoặc tận dụng cơ hội để lại có nó thì cũng đều là kết quả tác động của hai nguyên nhân. Rất có thể những người đã từng có thời ở đỉnh cao quyền lực quốc gia này bị quyến rũ bởi men say quyền lực. Nhưng không hẳn nhất quyết đều như vậy. Nguyên nhân thứ hai là nhận thức của họ về trách nhiệm đối với đảng phái chính trị của họ, là họ thật sự tin rằng chỉ khi trở lại cầm quyền (như ông Lula da Silva hay ông Trump) hoặc tham gia cầm quyền trên cương vị khác (như ông Cameron hay ông Bettel) thì mới là cách tốt nhất để phục vụ quốc gia và phục vụ cho lợi ích của đảng phái chính trị của họ.

Những người như 4 vị này trên thế giới có được thời mới hay không về chính trị lại phụ thuộc trước hết vào thành công hay thất bại của chính những người kế nhiệm họ. Nếu những người kế nhiệm này thành công thì họ dường như không thể trở lại quyền lực được. Ông Biden cầm quyền thành công thì ông Trump không thể thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ.

Ở Brazil, ông Jair Bolsonaro không thất bại trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua thì ông Lula da Silva cũng không thể có được nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Ông Sunak không vấp phải quá nhiều khó khăn trong cầm quyền hiện tại và không thật sự quan ngại về nguy cơ Đảng Bảo thủ Anh thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở nước Anh thì chắc chắn sẽ không phải cầu viện ông Cameron. Còn vị tân Thủ tướng Luxemburg nếu thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua thì đã chẳng buộc phải liên minh cầm quyền với đảng của ông Bettel.

Trường hợp ông Cameron thú vị hơn cả. Người này vốn không ủng hộ Brexit mà giờ phải xử lý hệ lụy của Brexit. Người này từ chức Thủ tướng Anh năm 2016 và từ đó đến nay, nước Anh có tới 4 thủ tướng: Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss và Rishi Sunak. Ông Cameron thuộc phe ôn hòa và trung tâm trong Đảng Bảo thủ Anh, lại có quan hệ rất tốt với Trung Quốc.

Thủ tướng Sunak cần ông Cameron trong chính phủ để làm hạt nhân cho việc đoàn kết thống nhất nội bộ đảng cầm quyền, định hướng đảng này về trung tâm, kiềm chế ảnh hướng của bộ phận cực đoan trong đảng cả về phía tả lẫn phía hữu cũng như kinh nghiệm và uy tín quốc tế của ông Cameron. Vị cựu thủ tướng này vì thế trở thành một con át chủ bài chính của ông Sunak trong nỗ lực duy trì vị thế cầm quyền ở Anh cho chính mình và cho Đảng Bảo thủ Anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn