MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế Maurice Robinson hầu toà hôm 28.10. Ảnh: PA

Có bàn tay của mạng lưới buôn người toàn cầu

SONG MINH LDO | 30/10/2019 15:31

Công tố viên trong phiên toà hôm 28.10 xét xử tài xế chở container chứa 39 thi thể bị phát hiện ở Essex, Anh cho rằng một đường dây buôn người toàn cầu có thể đứng sau thảm kịch này.

Đường dây buôn người toàn cầu

Mặc bộ đồ tù nhân màu xám, Maurice Robinson, còn gọi là Mo Robinson, 25 tuổi, xuất hiện trước toà Chelmsford qua liên kết video từ trại giam, xác nhận tên, tuổi, địa chỉ. Robinson là nghi phạm đầu tiên bị bắt trong vụ việc. Nghi phạm bị cáo buộc 39 tội danh ngộ sát, 2 tội buôn người và 1 tội rửa tiền. Kết thúc phiên điều trần kéo dài 5 phút chủ yếu mang tính thủ tục, toà cho biết nghi phạm sẽ tiếp tục bị giam và ra hầu toà trong phiên tiếp theo vào ngày 25.11 tại toà hình sự Old Bailey, London. Tờ Mail Online dẫn lời công tố viên Iguyovwe Oghenerouna khẳng định tại toà rằng vụ việc “liên quan đến đường dây buôn người toàn cầu nhằm đưa một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Anh”.

Trong khi đó, theo tờ The Sun, Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) Anh đang điều tra liệu các băng đảng buôn người ở Ireland có cấu kết với các băng đảng ở Bulgaria để đưa người vào Anh hay không. Chiếc xe container chở 39 thi thể ban đầu được đăng ký ở Varna, Bulgaria, nhưng Bộ Ngoại giao Bulgaria cho biết, chiếc xe đã không hoạt động ở nước này từ năm 2017 và hiện được một phụ nữ Ireland sở hữu. Varna nổi tiếng là tuyến đường buôn lậu thuốc lá và trong những năm gần đây, Varna cũng là tuyến đường được sử dụng để buôn bán người. Bulgaria là một trong những cửa ngõ phổ biến vào Châu Âu của những người di cư. Năm ngoái, 12 người Bulgaria bị bắt sau vụ 71 người di cư chết ngạt trong một chiếc xe tải chật kín ở Áo. Cảnh sát tìm thấy các thi thể đang bị phân hủy trong chiếc xe tải được đăng ký tại Hungary. Samsoor Lahoo - tên cầm đầu đường dây - lĩnh án 25 năm tù.

Khủng hoảng nhập cư Châu Âu

Những hình ảnh nhức nhối hàng đoàn người tuyệt vọng bất chấp tất cả để đến được Châu Âu đã thu hút sự chú ý của thế giới vào năm 2015, và là khởi đầu của cuộc khủng hoảng nhập cư. Bất lực trước làn sóng ồ ạt, nhiều nước Châu Âu bắt đầu siết chặt điều kiện cư trú và thay đổi chính sách nhập cảnh, mà chính điều này đã gây chia rẽ trong nội bộ EU.

Văn phòng Cảnh sát Châu Âu (Europol) cho biết, trong năm 2018 số lượng người di cư vào EU giảm, nhưng nạn buôn bán người trong EU là một thách thức ngày càng tăng. Giấu người di cư, tị nạn trong ôtô, xe tải, container là cách phổ biến nhất để buôn người. Các tuyến đường thông dụng nhất là qua các nước Balkan và eo biển Anh - theo báo cáo của Europol.

Báo cáo của Europol cũng cho thấy sự gia tăng về bạo lực trong các vụ buôn người. Những người di cư lậu sau đó thường bị bóc lột sức lao động trong các công trường xây dựng, nhà máy chế biến thực phẩm, tệ hơn là làm những công việc bất hợp pháp như trồng cần sa, hay làm gái mại dâm…

Sau vụ 71 người di cư chết trong xe tải đông lạnh ở Áo năm 2015, Europol đã thành lập một trung tâm phụ trách vấn đề buôn bán người di cư để đối phó với tình trạng này. Ngoài ra còn có các cơ sở dữ liệu khác trong EU, như hệ thống thông tin Schengen có thể được sử dụng để theo dõi tội phạm và hộ chiếu giả.

Vài năm gần đây, Anh cũng đã tăng cường an ninh ở những điểm giao cắt như eo biển Anh, khiến các tài xế xe tải buộc phải tìm những cung đường khác. Tuyến đường biển từ Zeebrugge (Bỉ) tới Purfleet (Anh) thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư trái phép vào Anh.

14 gia đình người Việt đề nghị xác minh, tìm người thân mất tích ở Anh

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các địa phương để nắm thông tin, hỗ trợ xác minh danh tính đối với các trường hợp được cho là mất tích tại Anh. Cho tới nay, Tổng đài Bảo hộ công dân đã tiếp nhận thông tin của 14 gia đình đề nghị hỗ trợ xác minh, tìm kiếm người thân bị mất tích tại Anh. Cục Lãnh sự đã liên hệ trực tiếp và hướng dẫn gia đình các thông tin cần cung cấp để đẩy nhanh việc xác minh, đồng thời cũng đề nghị các gia đình phối hợp, cung cấp các thông tin cập nhật về người thân (nếu có) tại Anh để kịp thời xử lý.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh là: +44 7713 181501 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân là: +84981 8484 84.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn