MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: AFP

Có gì đặc biệt trong laptop của trợ lý Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị lấy cắp?

Khánh Minh LDO | 16/01/2021 16:04
Máy tính xách tay của trợ lý Chủ tịch Hạ viện Mỹ là một trong những món đồ được báo cáo bị đánh cắp trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol.

Ông Drew Hammill - Phó Chánh văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - cho biết, chiếc laptop của trợ lý mà ông nói "chỉ được sử dụng để thuyết trình”, bị đánh cắp từ một phòng họp ở Điện Capitol.

Theo tờ Business Insider, trong khi các nhà hoạt động cực hữu bắt đầu lan truyền thông tin sai lệch về máy tính, một số người cho rằng, nó bị Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ lấy vì chứa bằng chứng gian lận bầu cử. Nhưng trên thực tế, không có gì khẳng định điều này.

Thông tin sai lệch bắt nguồn từ những bình luận của Trung tướng Không quân về hưu Thomas McInerney.

Ông McInerney tuyên bố sai sự thật rằng, Antifa chịu trách nhiệm về cuộc bạo động và việc máy tính bị đánh cắp gây nên sự hoảng loạn - là lý do tại sao đảng Dân chủ tìm cách luận tội Tổng thống Donald Trump.

Ông Ken McGraw - một nhân viên phụ trách công vụ của Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc nhiệm Mỹ - nói với tờ USA Today, cơ quan này không liên quan gì đến chiếc máy tính xách tay bị mất tích.

"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo hoặc thông tin nào cho thấy bất kỳ ai trong Lực lượng Đặc nhiệm hoặc bất kỳ đơn vị Lực lượng Hoạt động đặc nhiệm nào đã vào Điện Capitol hôm 6.1 và đánh cắp máy tính của bà Pelosi hoặc bất kỳ thành viên quốc hội nào khác trong cuộc bạo động" - ông McGraw nói với USA Today.

Một tuyên bố lan truyền sai lệch khác về chiếc máy tính xách tay là Tổng thống Donald Trump đang ở căn cứ quân sự Cheyenne Mountain, Colorado Springs, bang Colorado, xem xét "bằng chứng" được lấy từ máy tính xách tay.

Theo tờ Snopes, tuyên bố này dường như xuất phát từ một bài đăng trên ứng dụng truyền thông xã hội cánh hữu Parler - nền tảng đã bị gỡ khỏi Amazon do nội dung bạo lực.

Bài đăng cũng tuyên bố sai sự thật rằng, bà Pelosi “bị chặn lại ở biên giới" và sẽ được đưa đến một "địa điểm không được tiết lộ" do có "bằng chứng".

Tuy nhiên, theo lịch trình công khai của Tổng thống Donald Trump, ông vẫn chưa đến thăm núi Cheyenne. Trước chuyến đi đến Alamo, Texas vào ngày 12.1 để thăm bức tường biên giới, tổng thống dường như vẫn chưa rời Đặc khu Columbia kể từ cuộc bao vây Điện Capitol.

Cũng không có bằng chứng cho thấy bà Pelosi đến biên giới. Theo tờ Snopes, bài đăng của Parler được chia sẻ vào ngày 6.1, tuy nhiên bà Pelosi có mặt tại Quốc hội vào cuối ngày 6.1 và vào sáng sớm ngày 7.1 để hoàn thành việc xác nhận phiếu đại cử tri bầu cho ông Joe Biden.

Máy tính xách tay không phải là thiết bị duy nhất bị lấy đi trong cuộc hỗn loạn. CNN đưa tin, hạ nghị sĩ Jim Clyburn của bang Nam Carolina báo cáo một chiếc iPad bị đánh cắp.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley của bang Oregon tweet một đoạn video cho thấy, những kẻ bạo loạn ăn cắp một máy tính xách tay, tờ USA Today đưa tin.

Cũng có những tuyên bố sai về việc giấy tờ bị đánh cắp từ các văn phòng ở Điện Capitol.

Brendan Keefe - một phóng viên điều tra tại đài WXIA-TV của Atlanta - đã lật tẩy một bức thư mà mọi người trên mạng cho rằng đã bị đánh cắp từ bàn của bà Pelosi là thư giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn