MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga có thể làm trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Express

Cơ hội của Nga "ra tay" cứu thượng đỉnh Mỹ-Triều

Song Minh LDO | 18/05/2018 16:56
Các nhà phân tích giải thích cách thức Nga có thể cứu vãn thượng đỉnh Mỹ-Triều và biến thành đàm phán đa phương.

Một số cố vấn của Tổng thống Donald Trump đang cố ý phóng ngư lôi vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12.6 - các nhà phân tích nói với Sputnik, đồng thời cho rằng Nga có thể tận dụng tình hình này.

"Nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, một số dự án của Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ mất đi tầm quan trọng" - ông Dmitry Abzalov, giám đốc Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Nga nhận xét.

"Trước hết, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trở thành vô dụng. Các hệ thống phòng thủ này ngốn hàng tỉ đôla và việc lắp đặt chúng là vì mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Do đó, lợi ích tài chính của các công ty Mỹ, các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa sẽ bị đe dọa".

Theo học giả Abzalov, đang có một cuộc đối đầu giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo, người ủng hộ ý tưởng đàm phán Mỹ-Triều với Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton.

"Tùy nhà lãnh đạo Mỹ sẽ quyết định đứng về bên nào và xem xét lợi ích của ai, hoặc là lợi ích chiến lược dài hạn hoặc là lợi ích từ những đòi hỏi của giới lobby quốc phòng Mỹ" - ông Abzalov nói.

Hôm 16.5, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Kim Kye-gwan ra tuyên bố nói rằng Bình Nhưỡng có thể xem xét lại cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump vì những phát ngôn khiêu khích của các quan chức cao cấp Mỹ, điển hình là Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người đề xuất "mô hình Libya" trong lộ trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Bình luận về vấn đề này, ông Alexander Vorontsov, người đứng đầu Vụ nghiên cứu Mông Cổ và Triều Tiên, Viện nghiên cứu Đông phương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga lưu ý, Washington muốn Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí trước, sau đó mới xem xét trao đổi gì.

Theo ông Vorontsov, Triều Tiên vẫn coi Mỹ là một mối đe dọa an ninh đáng kể. Nhắc đến cuộc tập trận Mỹ-Hàn bắt đầu từ ngày 14.5, học giả này nhấn mạnh rằng hơn 300.000 quân nhân tham gia vào các cuộc diễn tập.

Trong khi đó, chuyên gia Abzalov cho hay nếu Triều Tiên vẫn hoài nghi về ý định của Mỹ thì vai trò của Washington trong các cuộc đàm phán tiếp theo về phi hạt nhân hóa sẽ giảm đáng kể.

Trong bối cảnh đó, Nga có thể đóng vai trò như một nước trung gian cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán Mỹ-Triều có thể trở thành đàm phán đa phương.

Học giả Abzalov tin rằng, sẽ là một tình huống hoàn hảo với Nga nếu Bình Nhưỡng đàm phán phi hạt nhân hóa không chỉ với Washington, mà còn với Bắc Kinh, Seoul và Mátxcơva.

Nếu không, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có nguy cơ kết thúc như một thỏa thuận song phương đằng sau hậu trường - ông Abzalov nói, và bổ sung rằng trong trường hợp thất bại chính trị của ông Donald Trump, Nga có thể "ra tay" để thay đổi nguyên trạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn