MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Moonfall" năm 2022, tàu con thoi Endeavour cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế trong khi Mặt trăng lao về phía Trái đất. Ảnh: Lionsgate

Có khi nào Mặt trăng lao về phía Trái đất như trong "Moonfall"?

Nguyễn Hạnh LDO | 06/02/2022 16:38

Mặt trăng đã là bạn đồng hành thân thiết của Trái đất trong hàng tỉ năm, và mặc dù quan điểm của chúng ta về hình dạng và kích thước của nó có phần thay đổi khi nó quay quanh hành tinh của chúng ta, nhưng nó vẫn hiện diện thường xuyên trên bầu trời. Điều đó có thay đổi? 

Trong bộ phim "Moonfall" năm 2022, một lực bí ẩn đẩy Mặt trăng ra khỏi quỹ đạo, hướng về phía Trái đất và có thể dẫn đến một vụ va chạm chỉ trong vài tuần. Vậy trên thực tế, liệu có vật thể nào trong không gian có thể thực sự đẩy Mặt trăng khỏi quỹ đạo của nó không? Trong hàng chục nghìn tiểu hành tinh và sao chổi quay xung quanh Hệ Mặt trời, có vật nào đủ lớn để va chạm và biến Mặt trăng thành một viên đạn đâm vào Trái đất?

Theo Live Science, Mặt trăng là một vật thể đá, rắn, được bao quanh bởi một lớp khí rất mỏng được gọi là ngoại quyển. Mặt trăng hình thành cùng thời điểm với Trái đất, khoảng 4,5 tỉ năm trước. Theo NASA, một giả thuyết được nhiều người chấp nhận cho rằng, Mặt trăng hình thành từ các mảnh đá vụn sau một vụ va chạm lớn giữa Trái đất trẻ và một hành tinh nhỏ hơn: một vật thể giả định có tên Theia. Một giả thuyết khác đề xuất, cả Mặt trăng và Trái đất đều hình thành sau vụ va chạm của hai thiên thể, mỗi thiên thể có kích thước gấp 5 lần sao Hỏa.

Ảnh minh họa cho thấy một thiên thể có kích thước bằng Mặt trăng đang lao vào một thiên thể có kích thước bằng sao Thủy với tốc độ rất lớn. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Mặt trăng cách Trái đất khoảng 385.000km và có khối lượng ước tính hơn 73,5 triệu tấn. Nó có kích thước bằng 1/4 Trái đất. Theo NASA, nếu Trái đất có kích thước bằng đồng nickel, thì Mặt trăng sẽ có kích thước bằng hạt đậu.

Các hình ảnh về Mặt trăng cho thấy bề mặt của nó bị rỗ với các miệng núi lửa có kích thước khác nhau, do các tác động trong quá khứ tạo ra. Nhưng hầu hết chúng được tạo ra từ hàng tỉ năm trước, khi có rất nhiều mảnh vỡ trôi qua Hệ Mặt trời, Paul Chodas - quản lý Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA - thông tin. 

Paul Chodas nói thêm, hầu hết các mảnh đá vụn hình thành hành tinh từng lấp đầy Hệ Mặt trời đã tan biến từ lâu, vì vậy số lượng tác động đã giảm dần - có rất ít vật chất để tác động lên Trái đất hoặc Mặt trăng.

CNEOS xác định và theo dõi các vật thể gần Trái đất (NEO) như tiểu hành tinh và sao chổi, để xác định xem chúng có gây ra mối đe dọa cho Trái đất, Mặt trăng hoặc các hành tinh láng giềng khác của chúng ta hay không, theo trang web của trung tâm. Cho đến nay, CNEOS đang theo dõi khoảng 28.000 NEO - những vật thể tiếp cận Trái đất trong vòng 1,3 đơn vị thiên văn (194,5 triệu km). 

Nhìn chung, các vụ va chạm của tiểu hành tinh với Mặt trăng ít có khả năng xảy ra hơn nhiều so với các vụ va chạm với Trái đất, bởi vì hành tinh của chúng ta là một mục tiêu lớn hơn với lực hấp dẫn mạnh hơn. Một tảng đá không gian bay vào vùng không gian lân cận chúng ta sẽ bị kéo về phía Trái đất hơn là về phía Mặt trăng, ông Chodas giải thích.

Kích thước cũng rất quan trọng khi các nhà khoa học xem xét rủi ro do một tiểu hành tinh gây ra. Theo NASA, để một NEO được coi là mối đe dọa đối với Trái đất, nó phải có đường kính ít nhất 140m. Và để một tác động của tiểu hành tinh ảnh hưởng đến quỹ đạo Mặt trăng, tiểu hành tinh ít nhất phải lớn bằng chính Mặt trăng.

May mắn cho chúng ta (và cho cả Mặt trăng), không có tiểu hành tinh nào được biết đến trong Hệ Mặt trời có kích thước gần bằng Mặt trăng. Tiểu hành tinh lớn nhất được biết đến có khối lượng nhỏ hơn Mặt trăng khoảng 70 lần và quay quanh quỹ đạo cách Trái đất khoảng 180 triệu km.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn