MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa về hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời. Ảnh: Caltech/IPAC

Có manh mối về hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời

Thanh Hà LDO | 17/11/2021 09:00
Bằng chứng tiềm năng về hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời đến từ dữ liệu từ một kính thiên văn năm 1983. 

Bằng chứng hành tinh thứ 9 trong dữ liệu cũ

Nhà thiên văn học hàng đầu Michael Rowan-Robinson, giáo sư danh dự về vật lý thiên văn tại Đại học Hoàng gia London, Anh, phát hiện ra rằng, dữ liệu từ một kính viễn vọng không gian thu thập được cho thấy ứng viên khả dĩ cho lý thuyết hành tinh thứ 9.

Dữ liệu tiềm năng về hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời lấy từ quan sát mà Vệ tinh Thiên văn Hồng ngoại (IRAS) phóng năm 1983. Đây là đài quan sát quay quanh quỹ đạo đầu tiên quan sát toàn bộ bầu trời đêm trong quang phổ hồng ngoại.

Kính viễn vọng không gian IRAS trên quỹ đạo quanh Trái đất. Ảnh: JPL/NASA

Rowan-Robinson xem lại dữ liệu từ sứ mệnh kéo dài 10 tháng của IRAS để xem có điều gì vẫn chưa được khám phá hay không. Ông chú ý kỹ đến các vật thể chuyển động chậm giữa những lần quan sát khác nhau. Qua đó, ông có thể loại trừ bất kỳ thiên thể chuyển động nhanh nào, như sao chổi hoặc tiểu hành tinh. Nhà thiên văn học Rowan-Robinson lưu ý, sự thay đổi vị trí của các hành tinh ứng viên có thể là do thị sai (parallax) khi Trái đất quay quanh Mặt trời khiến vị trí của IRAS thay đổi góc độ.

Nhà thiên văn học Anh đã kiểm tra hàng trăm nguồn trong dữ liệu, tuy nhiên, 3 quan sát được thực hiện vào tháng 6, tháng 7 và tháng 9.1983 thu hút sự quan tâm nhất của ông. Những quan sát này cho thấy hành tinh mới có thể lớn gấp 3 đến 5 lần Trái đất. Hành tinh tiềm năng được cho là hành tinh thứ 9 có thể quay quanh Mặt trời với khoảng cách gấp 225 lần so với Trái đất. 

Liên tục tìm kiếm hành tinh thứ 9

Tuy nhiên, nhà thiên văn học Rowan-Robinson thừa nhận trong một bài nghiên cứu gần đây rằng, những quan sát năm 1983  không có chất lượng cao và vùng trời được quan sát tạo thành từ các sợi khí  thành từ các sợi khí mây ti (mây Cirrus). Những khí như đám mây này gây khó khăn cho việc đọc các quan sát một cách rõ ràng.

Ông cũng lưu ý rằng, cuộc khảo sát bầu trời gần đây bằng kính thiên văn Pan-STARRS ở Hawaii đã không ghi lại được vật thể này. Điều này có thể gợi ra rằng, hành tinh thứ 9 mà ông cho là bản thân đã phát hiện ra là không có thật. 

Ông cũng khuyến nghị các nhà thiên văn học kiểm tra quỹ đạo của những hành tinh lùn bên ngoài sao Diêm Vương. Những kiểm tra đó có thể giải thích cho những quan sát của ông. 

“Ứng viên đang ở trên quỹ đạo hoàn toàn không phù hợp với những dự đoán của chúng ta về hành tinh thứ 9 và sẽ không có khả năng xoay quanh Hệ Mặt trời xa xôi theo cách mà chúng tôi đã đề xuất. Nhưng, tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không có thật” - Mike Brown, một nhà khoa học hành tinh nhấn mạnh. 

Nhà khoa học hành tinh Mike Brown lưu ý thêm, đây có nghĩa là có một khám phá tình cờ về một thiên thể nào đó trong vũ trụ trong quá trình tìm kiếm hành tinh thứ 9. Sao Diêm Vương cũng đã được tìm ra theo cách tương tự. "Nhà khoa học Tombaugh tìm kiếm hành tinh X mà nhà thiên văn học Mỹ  Percival Lowell đề xuất và vô tình tìm thấy sao Diêm Vương. Sao Diêm Vương không phải hành tinh X được dự đoán trước” - Brown nói. 

Vũ trụ liên tục mang tới những bí ẩn mới để nhân loại khám phá, BGR lưu ý. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, một tiểu hành tinh có thể là mảnh vỡ của Mặt trăng. Tuy nhiên, hiện tại, hành tinh thứ 9 - nếu nó tồn tại - vẫn đang tiếp tục né tránh chúng ta. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn