MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời tiết nắng nóng kỷ lục là yếu tố góp phần gây ra các vụ cháy rừng lớn ở Australia và Mỹ trong năm 2020. Ảnh: AFP/Getty

Cơ quan thời tiết Châu Âu công bố 2 năm nắng nóng khắc nghiệt đỉnh điểm

Hải Anh LDO | 08/01/2021 16:25
Năm 2020 cùng với 2016 được xác được xác định là năm có thời tiết nắng nóng nhất được ghi nhận, các nhà nghiên cứu Châu Âu xác nhận ngày 8.1.

Nghiên cứu được Copernicus Climate Change Service, một cơ quan liên chính phủ hỗ trợ chính sách khí hậu Châu Âu, công bố cho thấy xu hướng tăng không ngừng của nhiệt độ toàn cầu khi khí nhà kính giữ nhiệt trong khí quyển, theo CNBC News.

Carlo Buontempo, Giám đốc của Copernicus, cho biết: “Năm 2020 nổi bật với sự nóng lên đặc biệt ở Bắc Cực và số lượng cơn bão nhiệt đới kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương".

“Không có gì ngạc nhiên khi thập kỷ qua là giai đoạn nóng nhất được ghi nhận và cũng là lời nhắc nhở khác về sự cấp thiết của cắt giảm khí thải để ngăn chặn các tác động xấu đến khí hậu trong tương lai” - ông nói thêm.

Bằng chứng về nắng nóng kỷ lục của năm 2020 được ghi nhận trong suốt cả năm, với điều kiện khô nóng thúc đẩy các đợt cháy rừng lớn kỷ lục ở Australia và miền tây nước Mỹ, băng biển Bắc Cực giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục thứ 2. Thêm vào đó, trên toàn thế giới, nhiệt độ ghi nhận hàng tháng cũng ghi nhận các kỷ lục.

Năm 2020, nhiệt độ cao hơn 0,6 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010 và cao hơn khoảng 1,25 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến năm 1900, theo cơ quan này.

Một số nơi trên thế giới nóng lên nhiều hơn những nơi khác do lượng khí thải carbon tiếp tục tăng. Châu Âu có năm nóng nhất được ghi nhận, với nhiệt độ nóng hơn 1,4 độ C so với năm 2019, vốn được xem là năm nóng nhất ở đây.

Bắc Cực và bắc Siberia có nhiệt độ tăng cao nhất, lên tới hơn 6 độ C trên mức trung bình năm. Tây Siberia có mùa đông và mùa xuân đặc biệt nóng, trong khi khu vực Bắc Cực Siberia và phần lớn Bắc Băng Dương có nhiệt độ nóng đặc biệt vào mùa hè và mùa thu.

Những vụ cháy rừng lớn gần vòng Bắc Cực cũng giải phóng lượng khí thải carbon kỷ lục trong năm 2020 và băng biển Bắc Cực đạt mức thấp kỷ lục trong tháng 7 và tháng 10.

“Cho đến khi lượng khí thải ròng toàn cầu giảm xuống còn 0, CO2 sẽ tiếp tục tích tụ trong khí quyển và gây ra biến đổi khí hậu hơn nữa” - ông Vincent-Henri Peuch, giám đốc Copernicus Atmosphere Monitoring Service, cảnh báo.

Năm 2020 cùng năm 2016 góp phần đánh đấu thập kỷ nóng nhất khi thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2016, là năm nóng nhất trước đây, vốn đã rất nóng do bị ảnh hưởng của El Nino. Sáu năm qua là 6 năm nóng nhất được ghi nhận, theo CNBC.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn