MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ vật mới khai quật cung cấp thêm nhiều tư liệu về ngành gốm sứ thời nhà Hán của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Cổ vật 2.000 năm hé mở bí mật làm nên thịnh vượng của thành cổ Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 25/11/2023 17:33

Một số lượng lớn đồ gốm, lò nung và dụng cụ làm đồ gốm có niên đại khoảng 2.000 năm đã được khai quật trong đống đổ nát của một thành cổ ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc.

Những cổ vật mới khai quật cung cấp tư liệu cho nghiên cứu ngành gốm sứ thời nhà Hán (202 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), theo Tân Hoa Xã.

Những cổ vật này được phát hiện trong cuộc khai quật lần thứ 4 tại thị trấn Bairen, thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc.

Cuộc khai quật bắt đầu từ giữa tháng 8. Hơn 200 cổ vật và công trình, gồm đất nung, hố tro, tàn tích nhà ở, giếng nước và lò gốm được phát hiện trong một khu vực có diện tích khoảng 400m2.

Tàn tích của thị trấn Bairen được bảo tồn tương đối tốt, có diện tích 4 km2. Những bức tường thành ở đây có chu vi khoảng 8.000 mét, với một số phần cao từ 6 đến 7 mét.

Cuộc khai quật khảo cổ tại thị trấn Bairen, thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Cuộc khai quật diễn ra trong gần 4 tháng, do nhân sự Đại học Nhân dân Trung Quốc, Viện Khảo cổ và di tích văn hóa Hà Bắc cùng Trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ di tích văn hóa Hình Đài thực hiện.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc từng tiến hành 3 cuộc khai quật tại địa điểm này vào các năm 2016, 2018 và 2022.

Theo Li Meitian - Giám đốc Khoa Khảo cổ và Văn hóa tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, người đứng đầu cuộc khai quật - hầu hết cổ vật được tìm thấy trong lần khai quật này đều thuộc thời nhà Hán. Điều này chỉ ra, “trong thời kỳ đó, thị trấn Bairen rất thịnh vượng và đông đúc".

Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng phát hiện ra một số di tích văn hóa từ thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên), nhà Đường (618-907) và thời kỳ sau đó. Ông Li Meitian cho rằng, chúng có thể mang lại hiểu biết sâu sắc hơn về sự phát triển của thị trấn Bairen.

Người đứng đầu cuộc khai quật lần này lưu ý, các dụng cụ và lò nung gốm được khai quật cho thấy khu vực này có thể là vùng sản xuất đồ gốm lớn.

“Thị trấn Bairen đã có từ thời Chiến Quốc và tới triều đại nhà Hán thì đạt đến đỉnh cao thịnh vượng” - ông nói.

Theo nhà khảo cổ Trung Quốc, cuộc khai quật lần này có ý nghĩa to lớn với việc nghiên cứu và thảo luận sâu hơn về hệ sinh thái đô thị từ thời tiền Tần đến thời nhà Hán ở miền bắc Trung Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn