MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt nạ bằng đồng được phát hiện tại di chỉ Tam Tinh Đôi tại tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Cổ vật từ di chỉ Tam Tinh Đôi lần đầu trưng bày ngoài Trung Quốc đại lục

Thanh Hà LDO | 24/08/2023 15:41

Bảo tàng Cung điện Hong Kong ở Hong Kong (Trung Quốc) trưng bày những cổ vật được khai quật tại di tích Tam Tinh Đôi.

Mặt nạ đồng khổng lồ, bức tượng sinh vật thần thoại, cổ vật hình rồng và một mặt nạ bằng vàng nằm trong số 120 bảo vật quốc gia Trung Quốc sẽ được trưng bày ở Hong Kong, sau khi được khai quật từ di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc đại lục.

Bảo tàng Cung điện Hong Kong đã cung cấp thông tin chi tiết về triển lãm cổ vật: “Ngắm Tam Tinh Đôi: Những khám phá khảo cổ mới ở Tứ Xuyên”. Triển lãm sẽ kéo dài trong 3 tháng rưỡi, từ ngày 27.9.2023 đến ngày 8.1.2024.

120 cổ vật, bao gồm các đồ vật bằng đồng, ngọc bích, vàng và đồ gốm có niên đại cách đây 4.500 năm, hầu hết là những cổ vật khai quật từ khu di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên.

Bí ẩn bao phủ những cổ vật này bởi không có ngôn ngữ nào được xác định trên cổ vật và không có khám phá nào khác tìm ra những cổ vật tương tự.

Cứ 5 cổ vật được trưng bày ở Hong Kong thì có 1 hiện vật được coi là bảo vật quốc gia cấp 1 của Trung Quốc - cấp cao nhất với những cổ vật này.

Các nhà khảo cổ tin rằng di chỉ Tam Tinh Đôi thuộc về vương quốc Thục cổ đại.

Gần một nửa cổ vật trưng bày tại bảo tàng ở Hong Kong được khai quật từ năm 2020 đến năm 2022 và hầu hết chưa từng được trưng bày ở nước ngoài.

Tang Fei - giám đốc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên, tổ chức hỗ trợ triển lãm - cho biết: “Những cổ vật văn hóa quý giá được khai quật từ Tam Tinh Đôi và Kim Sa thể hiện vẻ huy hoàng của nền văn minh vật chất và tinh thần của nhà Thục cổ đại".

Ông nói thêm: “Những hiện vật này phản ánh những thành tựu đáng chú ý của nền văn minh phát triển ở vùng thượng nguồn sông Dương Tử trước thời nhà Tần. Nhà Thục cổ đại có mối liên hệ chặt chẽ với các nền văn minh ở vùng Hoàng Hà và vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử. Điều này thể hiện "sự đa dạng trong sự thống nhất"".

Những cổ vật trưng bày tại Hong Kong được mượn từ Bảo tàng Tam Tinh Đôi ở Quảng Hán và Bảo tàng Di chỉ Kim Sa ở Thành Đô.

Nổi bật trong số các cổ vật chưa từng được trưng bày bên ngoài Trung Quốc đại lục là mặt nạ bằng đồng cao 71 cm, rộng 131 cm và sâu 66 cm - chiếc mặt nạ lớn nhất thuộc loại này được phát hiện cho tới thời điểm hiện tại. Chiếc mặt nạ nặng 65,5 kg, được ước tính có niên đại từ năm 1300 đến 1100 trước Công nguyên, trong thời đại đồ đồng. Các nhà khảo cổ học cho biết, cách gắn tai vào mặt nạ cần sự khéo léo, tinh xảo xét về kích thước của mặt nạ này.

Nhiều hiện vật phản ánh hoạt động tôn giáo của vương quốc Thục. Một trong số đó có bức tượng sinh vật 4 chân trong thần thoại với đôi tai giống thỏ và chiếc đuôi dày. Cổ vật này có thể từng được sử dụng để thờ cúng vì được khai quật từ địa điểm diễn ra nghi lễ hiến tế.

Mười tám trong số 120 cổ vật triển lãm, chủ yếu là vàng, được đưa tới từ Bảo tàng Di tích Kim Sa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn