MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự kiện địa chấn tạo ra núi lửa mới bắt đầu vào ngày 10.5.2018. Ảnh: Nature Geoscience

Cơn địa chấn lớn tạo nên núi lửa dưới nước khổng lồ ở Madagascar

Nguyễn Hạnh LDO | 02/10/2021 10:28
Một cơn địa chấn dưới nước lớn nhất từng được ghi nhận đã dẫn đến sự ra đời của một ngọn núi lửa dưới nước khổng lồ cao 820m ngoài khơi Madagascar.

Theo Daily Mail, sự kiện địa chấn tạo ra núi lửa mới bắt đầu vào ngày 10.5.2018 và gây ra một trận động đất mạnh 5,8 độ richter chỉ sau vài ngày. Nó làm rung chuyển các hòn đảo gần đó và các nhà khoa học sớm nhận ra nó là kết quả của một sự kiện núi lửa mới dưới lòng đại dương.

Các nhà khoa học biết tương đối ít về các quá trình diễn ra sâu bên trong Trái đất. Để hiểu thêm, một số cơ quan chính phủ của Pháp, dẫn đầu là Đại học Paris, đã tổ chức một cuộc thám hiểm.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu tập trung theo dõi khu vực vào tháng 2.2019. Họ sử dụng công nghệ sonar đa tia để lập bản đồ diện tích 8.599km2 của đáy biển. 

Ảnh quét đa tia cho thấy sự xuất hiện của núi lửa. Ảnh: Nature Geoscience

Việc đặt một mạng lưới đo địa chấn dưới đáy biển sâu tới 4.828m cũng giúp họ hiểu rõ hơn về bản chất và nguồn gốc của ngọn núi lửa mới.

Họ đã phát hiện ra 17.000 sự kiện địa chấn từ tháng 2-5.2019 ở độ sâu lên tới 48.280m dưới đáy đại dương. Đây là một điều cực kỳ bất thường vì hầu hết các trận động đất thông thường đều nông hơn nhiều so với mức này. Thêm vào đó là 84 trận động đất nhỏ khác xảy ra với tần suất rất thấp - một điều bất thường khác. 

Đồ họa hiển thị mức độ các trận động đất được phát hiện ở các cấp độ khác nhau trong hai năm quan sát. Ảnh: Nature Geoscience

Nhóm nghiên cứu giải thích: "Các trận động đất sâu hơn nhiều so với bình thường trong bối cảnh hình thành núi lửa và xảy ra bên dưới ranh giới giữa vỏ và lớp phủ (địa chất). Chúng chỉ ra sự tồn tại của các hồ chứa rất sâu và hệ thống thoát nước trải rộng khắp thạch quyển".

Theo Science Times, những phát hiện mới cho thấy núi lửa dưới nước hình thành từ hồ chứa magma nằm sâu trong lớp phủ trên (quyển manti trên) của Trái đất. Lớp địa chất được gọi là quyển mềm có thể đã đẩy lớp phủ trên đến giới hạn của nó, khiến magma thoát ra khỏi hồ chứa và phun ra đáy biển. Hoạt động này đủ để làm rung chuyển lớp vỏ Trái đất và làm xáo trộn các lục địa lân cận. Và sự tích tụ của magma đã hình thành nên ngọn núi lửa dưới nước khổng lồ.

Nghiên cứu được công bố ngày 26.8.2021 trên tạp chí Nature Geoscience.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn