MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với đôi mắt lớn, loài gián cổ đại Huablattula hui được cho là hoạt động trong môi trường sáng và thoáng vào ban ngày, trái ngược với những con gián ngày nay. Ảnh: Ryo Taniguchi/Đại học Hokkaido

Con gián mắt to đáng sợ mắc kẹt trong hổ phách 100 triệu năm tuổi

Nguyễn Hạnh LDO | 10/02/2022 22:15
Một con gián mắt to trông khá đáng sợ được bảo quản nguyên vẹn đã được phát hiện mắc kẹt bên trong hổ phách.

Các nhà khoa học vốn đã biết về sự tồn tại của loài gián độc đáo đã tuyệt chủng này - có tên khoa học là Huablattula hui - nhưng đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy đôi mắt của nó một cách chi tiết như vậy, theo Live Science.

Trưởng nhóm nghiên cứu Ryo Taniguchi từ Khoa Khoa học Lịch sử Tự nhiên tại Đại học Hokkaido (Nhật Bản) cho hay: "Mẫu vật gián được bảo quản rất tốt và cho thấy nhiều đặc điểm hình thái rất chi tiết".

Động vật sử dụng các cơ quan cảm giác để điều hướng nhằm tìm thức ăn, tránh kẻ thù và xác định vị trí của bạn tình. Bởi vì các cơ quan cảm giác thường thích nghi với lối sống cụ thể, các nhà khoa học thường có thể tìm hiểu rất nhiều về các đặc điểm của động vật bằng cách kiểm tra từng cơ quan thu thập thông tin cảm giác. Ví dụ, loài cú có thính giác không đối xứng, cho phép chúng xác định vị trí của cả kẻ săn mồi và con mồi, trong khi cá sống trong hang động thường triệt tiêu mắt - thứ vô dụng trong các khu vực tối tăm.

Con gián bị mắc kẹt trong hổ phách. Ảnh: RyoTaniguchi/Đại học Hokkaido

Tuy nhiên, khi nói đến các loài đã tuyệt chủng - đặc biệt là côn trùng vì chúng có đôi mắt, râu, tai và lưỡi mỏng manh không hóa thạch tốt trong trầm tích - thì việc nghiên cứu các cơ quan cảm giác có thể đặt ra những thách thức.

Ryo Taniguchi cho biết: "Các cơ quan của côn trùng hiếm khi được bảo quản trong trầm tích vì chúng rất nhỏ và dễ vỡ. Một cách để giải quyết vấn đề này là nghiên cứu mẫu vật hóa thạch được bảo quản đặc biệt tốt từ hổ phách".

Hổ phách rất lý tưởng vì nó có thể bảo quản trực tiếp các mô của một loài côn trùng nhỏ bị mắc kẹt bên trong, trong khi các hóa thạch được bảo quản trong trầm tích thường không bảo quản trực tiếp các mô.

Khoảng 100 triệu năm trước, trong kỷ Phấn trắng, con gián bị mắc kẹt và chết trong một đám nhựa cây, sau này hóa thạch thành hổ phách, ở khu vực ngày nay là Myanmar.

Taniguchi và các đồng nghiệp của ông từ các trường đại học Hokkaido và Fukuoka đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như chụp CT, để kiểm tra các cơ quan cảm giác nguyên vẹn độc đáo của mẫu vật. Những kỹ thuật này cho thấy một con gián với một thế giới giác quan mà loài gián hiện đại hầu như không có. Thông thường, những con gián hiện đại có đôi mắt kém phát triển, nhưng có thể cảm nhận xung quanh bằng râu. Ngược lại, loài cổ đại này có đôi mắt phát triển tốt.

Có khả năng con gián cổ đại hoạt động giống bọ ngựa thời hiện đại hơn - họ hàng gần của loài gián và chuyên hoạt động ban ngày. Loài gián có thể đã đa dạng về mặt sinh thái hơn nhiều so với ngày nay, theo nhóm khoa học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn