MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh hoạ người thời kỳ đồ đá quấn lông gấu trong mùa đông giá rét. Ảnh: Journal Of Human Evolution

Con người biết mặc quần áo từ khi nào?

Khánh Minh LDO | 19/01/2023 16:00
Các nhà khảo cổ học người Đức mới đây đã phát hiện một số bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng quần áo của con người.

Những vết cắt ở móng vuốt gấu hang cho thấy loài động vật này sớm đã bị con người lột da lấy lông từ cách đây khoảng 300.000 năm - theo CNN.

Mặc dù trong lịch sử có đề cập tới hình ảnh bộ lông thú mà loài người trong hang động khoác lên mình, hành trình khám phá ở Schöningen (miền bắc nước Đức) cũng chỉ phát hiện ra ít bằng chứng về cách thức loài người sơ khai mặc quần áo và sống sót qua mùa đông khắc nghiệt. Nguyên nhân là do hiếm quần áo thời tiền sử nào có thể tồn tại cho đến ngày nay và thông thường, lông thú, da và các vật liệu hữu cơ khác sẽ không tồn tại quá 100.000 năm.

Ivo Verheijen - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tübingen (Đức) - cho biết: “Nghiên cứu này khá quan trọng vì chúng ta biết không nhiều về cách người xưa bảo vệ mình khỏi thời tiết khắc nghiệt và cũng chỉ có một vài bằng chứng về việc lột da gấu được tìm thấy, phát hiện ở Schöningen là ví dụ điển hình”.

Gấu hang. Ảnh: Encyclopædia Britannica

Gấu hang là loài động vật có kích thước lớn tương đương gấu Bắc Cực và chúng đã tuyệt chủng khoảng 25.000 năm trước. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal Of Human Evolution cho thấy, loài gấu hang có lớp lông dài bên ngoài giúp thoáng khí và lớp lông ngắn, rậm rạp bên trong giúp cách nhiệt tốt hơn. Lông loài gấu này theo đó phù hợp để làm quần áo hoặc khăn trải giường.

Trang phục từ lông gấu hang có thể không cần cắt, may cầu kì mà chỉ đơn giản quấn quanh cơ thể, bởi những chiếc kim khâu phục vụ cho các thiết kế phức tạp hơn cũng mới xuất hiện khoảng 45.000 năm trước. 

Ông Verheijen giải thích: “Chúng tôi tìm thấy những vết cắt ở chi trước và chi sau, nơi có rất ít thịt và mỡ, điều này chứng tỏ loài người không giết mổ động vật để lấy thịt hay mỡ”.

Cận cảnh vết cắt tỉ mỉ và tinh xảo trên xương chân gấu hang. Ảnh: Journal Of Human Evolution

Tại điểm khảo cổ Schöningen (Đức), vũ khí làm bằng gỗ lâu đời nhất của loài người bao gồm 9 cây giáo ném, 1 cây thương đâm và 2 cây gậy ném đã được tìm thấy. Những vũ khí này được cho là dùng để giết con mồi 300.000 năm về trước.

Đây thực sự là một thử thách lớn để phán đoán chính xác thời điểm con người bắt đầu khoác lên mình những bộ trang phục. 

Các nghiên cứu di truyền về chấy rận cho biết, rận quần áo tách ra từ tổ tiên rận đầu người ít nhất là 83.000 năm trước và sớm nhất là 170.000 năm trước, điều này có khả năng là con người đã biết mặc quần áo trước những cuộc di cư lớn khỏi Châu Phi.

Các công cụ bằng xương được tìm thấy ở Morocco cũng cho thấy con người đã biết xử lý da động vật từ khoảng 90.000 đến 120.000 năm trước.

Xương chân gấu hang có những vết cắt. Ảnh: Journal Of Human Evolution

“Tại Schöningen, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều bộ xương của các loài động vật khác (ngựa, bò rừng) có vết cắt liên quan đến việc lột da. Tuy nhiên, với đặc tính cách nhiệt cao của da gấu cùng với thực tế là da của chúng mềm hơn so với da các loài động vật ăn cỏ lớn khác, da gấu sẽ phù hợp nhất để làm quần áo nếu được xử lý đúng quy trình” - ông Verheijen nói và cho biết thêm, khí hậu tại Schöningen khoảng 300.000 năm trước “ít nhiều tương tự ngày nay”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn