MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Món bánh hamburger của nhà hàng Louis Burger ở Mumbai, Ấn Độ bán chạy như ''tôm tươi''. Ảnh: Louis Burger

Cơn sốt vàng ở Ấn Độ: Hamburger phủ vàng ''đắt như tôm tươi''

Bảo Châu LDO | 21/10/2021 11:25
Thực phẩm dát vàng xuất hiện ở Ấn Độ từ thế kỷ 17. Gần đây, một nhà hàng ở Mumbai tung ra loại bánh hamburger dát vàng đã gây nên cơn sốt ''cháy hàng''.

Bánh hamburger phủ vàng bán chạy ở Ấn Độ

Vốn là quốc gia yêu chuộng vàng, Ấn Độ là nơi tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, người Ấn Độ vẫn mua tới 315,9 tấn trang sức vàng trong năm 2020, theo Bloomberg. Vàng ở Ấn Độ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực ẩm thực. Hai món bánh hamburger - bánh mì kẹp thịt kiểu Mỹ - phủ lá vàng có thể ăn được do nhà hàng Louis Burger ở thành phố Mumbai tung ra từ tháng 7.2021 đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt trên thị trường, bán chạy như ''tôm tươi''.

Chiếc hamburger mang tên “Louis Grand Royale” đi kèm với hai miếng thịt bò, nấm shimeji, nấm truffle và phô mai cheddar kiểu Anh kẹp giữa hai vỏ bánh phủ vàng và có giá 9,25 USD.

Món bánh “Truffle Take Burger” - làm từ các loại nấm, 2 loại phô mai và dầu truffle - có giá 11,85 USD, tương đương với 2 ngày lương trung bình của người dân Ấn Độ.

Sau khi chứng kiến ''nhu cầu quá lớn'' từ phía khách hàng đối với hai món ăn phủ vàng mới, hãng Louis Burger có kế hoạch sẽ mở thêm các chi nhánh mới để phân phối trên toàn quốc.

Truyền thống đồ ăn dát vàng ở Ấn Độ

Từ lâu, người Ấn Độ đã biết sử dụng vàng để trang trí cho thực phẩm, từ vàng lá, bột vàng cho tới vàng 24k dát mỏng được gọi là varq trong tiếng Hindi. Truyền thống này bắt nguồn từ thời Mughal vào thế kỷ 17, các đầu bếp phục vụ các món ăn được trang trí bằng lá vàng hoặc lá bạc để gây ấn tượng với các thực khách quý tộc và vua chúa.

Truyền thống này cho đến nay vẫn được tiếp nối. Vàng được sử dụng nhiều để tô điểm mọi đồ ăn, thức uống, từ món tráng miệng cho tới món chính.

Trong mùa lễ hội, đặc biệt là lễ hội Diwali lớn nhất của người Hindu, các cửa hàng luôn tràn ngập các giỏ quà tặng chứa trái cây và hạt được phủ varq.

Theo tiết lộ của nhà kim hoàn Ram Deen có trụ sở tại thủ đô New Delhi, lá vàng hay varq được tạo ra bằng cách dùng búa nện xuống các tấm kim loại vàng trong nhiều ngày cho đến khi nó đạt kích thước siêu mỏng 8.000 milimet. Và chỉ có vàng từ 22k đến 24k mới được sử dụng trong đồ ăn của con người. Quá trình sản xuất phải được thực hiện trong điều kiện vệ sinh, tránh để bị ô nhiễm. 

Mặc dù lá vàng dùng trong chế biến thực phẩm là mặt hàng đắt đỏ hàng đầu thế giới với giá lên tới 15.000 USD/500 gram, nhưng nhiều người sành ăn vẫn sẵn sàng chi trả nhiều tiền để thưởng thức các món ăn cao cấp từ vàng tại các nhà hàng sang trọng.

 Nhà hàng Varq ở New Delhi, Ấn Độ là nơi nổi tiếng phục vụ các món ăn từ vàng. Ảnh: Handout/Varq restaurant

Nhà hàng Varq trong khách sạn năm sao Taj Mahal ở New Delhi là một điểm đến yêu thích của các yếu nhân hàng đầu Ấn Độ, bao gồm cả các chính trị gia và các ngôi sao nổi tiếng Bollywood.

Với trần nhà bằng gỗ dát vàng, đồ nội thất thiết kế riêng, nhà hàng có một thực đơn hoành tráng với đầy các món ăn phủ vàng. Mức giá trung bình cho mỗi món ăn tại đây là 13 USD.

Pradipt Sinha, giám đốc thực phẩm và đồ uống của khách sạn Crowne Plaza ở New Delhi, cho biết: “Lá vàng và bạc là một phần di sản văn hóa và ẩm thực phong phú của Ấn Độ trong nhiều thế kỷ''.

Nhiều người cho rằng món ăn từ vàng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng hiện đại cho biết không có bằng chứng nào khẳng định điều này, nhưng vàng hoặc bạc ăn được cũng không gây hại cho cơ thể vì chúng ở dạng trơ nên sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể con người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn