MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu vũ trụ InSight của NASA thám hiểm sao Hỏa. Ảnh: NASA

Công bố kích cỡ kinh ngạc của lõi sao Hỏa

Khánh Minh LDO | 23/03/2021 10:18
Sao Hỏa trở thành hành tinh vòng trong (inner planet) đầu tiên sau trái đất có kích thước lõi được đo lường.

Các nhà khoa học đã lần đầu tiên có cái nhìn cận cảnh vào "trái tim" của sao Hỏa. Tàu vũ trụ InSight của NASA tiết lộ kích thước của lõi sao Hỏa bằng cách lắng nghe năng lượng địa chấn vang lên xuyên qua bên trong hành tinh.

Theo tờ Nature, phép đo cho thấy, bán kính của lõi sao Hỏa là 1.810 đến 1.860km, gần bằng một nửa của trái đất. Con số kinh ngạc này lớn hơn so với một số ước tính trước đó, có nghĩa là lõi sao Hỏa ít ​​đặc hơn so với dự đoán.

Phát hiện cho thấy, lõi sao Hỏa phải chứa các nguyên tố nhẹ hơn - chẳng hạn như oxy - ngoài sắt và lưu huỳnh cấu thành phần lớn hành tinh này.

Các nhà khoa học của InSight đã báo cáo các phép đo của họ trong một số bài thuyết trình tuần trước tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng trực tuyến ở Houston, Texas, Mỹ.

Các hành tinh nhiều đá như trái đất và sao Hỏa được chia thành các lớp cơ bản là vỏ, lớp phủ và lõi. Biết được kích thước của từng lớp đó là rất quan trọng để hiểu cách hành tinh hình thành và phát triển.

Các phép đo của InSight sẽ giúp các nhà khoa học xác định cách lõi dày đặc, giàu kim loại của sao Hỏa tách ra khỏi lớp phủ đá bên trên khi hành tinh này nguội đi. Phần lõi có lẽ vẫn còn nóng chảy sau khi sao Hỏa rực lửa ra đời khoảng 4,5 tỉ năm trước.

Tàu thăm dò Perseverance của NASA vừa mới hạ cánh lên bề mặt sao Hỏa gần đây. Ảnh: NASA/AFP

Các hành tinh đá duy nhất khác mà giới khoa học đã đo được lõi là trái đất và mặt trăng. Việc thêm sao Hỏa sẽ cho phép các nhà nghiên cứu so sánh và đối chiếu cách các hành tinh trong hệ mặt trời phát triển.

Tương tự như trái đất, sao Hỏa từng có một từ trường mạnh được tạo ra bởi chất lỏng chảy xung quanh lõi của nó, nhưng từ trường đó giảm đột ngột theo thời gian, khiến bầu khí quyển của sao Hỏa thoát ra ngoài không gian và bề mặt trở nên lạnh giá, cằn cỗi và ít thích nghi với sự sống hơn nhiều so với của trái đất.

Simon Stähler - nhà địa chấn học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich - đã báo cáo những phát hiện về lõi sao Hỏa trong một bài thuyết trình vào ngày 18.3 tại hội nghị trực tuyến.

Tàu vũ trụ trị giá gần 1 tỉ USD đã hạ cánh xuống sao Hỏa vào năm 2018 và là sứ mệnh đầu tiên nghiên cứu bên trong của hành tinh đỏ. Tàu đổ bộ đứng yên gần xích đạo sao Hỏa và lắng nghe "marsquakes" - hiện tượng động đất trên sao Hỏa.

Cho đến nay, InSight đã phát hiện khoảng 500 trận động đất, có nghĩa là hành tinh này ít hoạt động địa chấn hơn trái đất, nhưng nhiều hơn mặt trăng. Hầu hết các trận động đất đều rất nhỏ, nhưng gần 50 trong số đó có cường độ từ 2 đến 4 độ richter - đủ mạnh để cung cấp thông tin về bên trong hành tinh.

Cũng giống như các máy đo địa chấn trên trái đất, InSight đo kích thước của lõi sao Hỏa bằng cách nghiên cứu các sóng địa chấn dội ra khỏi ranh giới sâu giữa lớp phủ và lõi. Với đủ thông tin từ các sóng truyền sâu này, các nhà khoa học InSight đã có thể tính toán độ sâu của ranh giới lõi - lớp phủ và do đó đo được kích thước của lõi.

Dữ liệu địa chấn cũng gợi ý rằng, lớp phủ trên - kéo dài khoảng 700 đến 800 km bên dưới bề mặt - chứa một vùng vật chất dày lên, trong đó năng lượng địa chấn truyền đi chậm hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn