MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá mập "Godzilla" được các nhà khoa học đặt tên chính thức là Dracopristis hoffmanorum. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử và Khoa học tự nhiên New Mexico (NMMNHS)

Công bố mới về cá mập “Godzilla” 300 triệu năm tuổi

Khánh Ly LDO | 18/04/2021 07:11
Những chiếc răng của con cá mập 300 triệu năm tuổi khai quật ở New Mexico là dấu hiệu đầu tiên tiết lộ nó có thể thuộc một loài khác biệt.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã chính thức đặt tên cho quái vật dài 2m, sống cách đây 300 triệu năm dựa trên hóa thạch được tìm thấy vào năm 2013 ở dãy núi Manzano, cách thành phố Albuquerque (New Mexico, Mỹ) khoảng 50km về phía tây nam.

Theo Bảo tàng Lịch sử và Khoa học tự nhiên New Mexico, bộ xương hoàn chỉnh gồm 12 cái răng và hai vây lưng dài gần 1m của loài cá mập này được đặt tên là Dracopristis hoffmanorum hay còn gọi là cá mập rồng.

Tên gọi này cũng để vinh danh gia đình Hoffman sở hữu vùng đất nơi các hóa thạch được tìm thấy. Sở dĩ ban đầu, hàm răng cưa và gai vây lưng lớn đã gợi cho các nhà nghiên cứu cái tên cá mập “Godzilla”.

Hóa thạch cá mập được tìm thấy vào năm 2013 ở dãy núi Manzano, thành phố Albuquerque, New Mexico, Mỹ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử và Khoa học tự nhiên New Mexico (NMMNHS)

Nhà cổ sinh vật học kiêm điều phối viên chương trình của Công viên Khủng long thuộc Ủy ban Quy hoạch và Công viên Thủ đô Quốc gia Maryland - John Paul Hodnett - người đang là nghiên cứu sinh tại thời điểm khai quật hóa thạch cho biết: “Lúc đầu, tôi nghĩ những gì được lật lên là mặt cắt của xương chi, điều đó thật thú vị vì trước đây chưa từng tìm thấy bộ tứ chi nào ở địa điểm đó”.

Sau 7 năm làm việc trong phòng thí nghiệm để làm sạch và ổn định hóa thạch cũng như nghiên cứu và so sánh nó với những con cá mập khác, Hodnett và các nhà nghiên cứu khác đã công bố phát hiện của họ rằng đây là một loài riêng biệt.

Bộ xương hóa thạch được phục hồi được coi là hoàn chỉnh nhất trong nhánh cá mập ctenacanth. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử và Khoa học tự nhiên New Mexico (NMMNHS)

Các nhà nghiên cứu cho biết, bộ xương hóa thạch được phục hồi được coi là hoàn chỉnh nhất trong nhánh cá mập ctenacanth - nhánh tiến hóa tách ra từ cá mập và cá đuối hiện đại khoảng 390 triệu năm trước và tuyệt chủng khoảng 60 triệu năm sau đó.

Hodnett cho hay, các gai vây lưng lớn của cá mập rồng được sử dụng như một biện pháp tự vệ khỏi những kẻ săn mồi lớn hơn. “Trong chính những tảng đá tìm thấy hóa thạch của Dracopristis, chúng tôi tìm thấy răng của một loài cá mập lớn hơn có tên Glikmanius là một kẻ săn mồi lớn và nguy hiểm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn