MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá khí đốt ở Anh thời gian gần đây tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại. Ảnh: AFP

COVID-19 khiến giá năng lượng tăng vọt ở Anh như thế nào?

Nguyễn Hạnh LDO | 10/02/2022 07:08
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống, bao gồm cả thị trường năng lượng.

Theo Live Science, sau nhiều tháng biến động, chi phí năng lượng của các hộ gia đình trung bình ở Anh sẽ tăng 693 bảng Anh trong năm nay. Đây là mức tăng mạnh khi giá bán buôn khí đốt tăng vọt lên khoảng 300% so với đầu năm 2021. Đây cũng là mức cao trong lịch sử, chưa từng có trước đây ở Anh.

Lý do chính khiến giá khí đốt tăng vọt trong thời gian gần đây là những thay đổi trong cung và cầu. Nói một cách đơn giản, việc đóng cửa biên giới và các hạn chế xã hội trong 2 năm qua, khi rất nhiều ngành công nghiệp và sự kiện buộc phải ngừng hoạt động, dẫn đến giảm nhu cầu về năng lượng. Và khi nhu cầu giảm, cung cũng vậy.

Sau đó, khi các hạn chế bắt đầu giảm bớt thì nhu cầu tăng vọt. Đặc biệt, lĩnh vực khách sạn và du lịch có sự phục hồi, góp phần làm tăng nhanh chóng nhu cầu về năng lượng. Nhưng rất khó để tăng nguồn cung đột ngột nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên, vì vậy giá đã tăng.

Nguồn cung của thị trường khí đốt trong những năm gần đây ngày càng trở nên phức tạp. Một phần là do các yếu tố chính trị quốc tế, nhưng cũng là động lực để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn để đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi có chủ ý này, tránh sử dụng hydrocacbon để chuyển sang các nguồn bền vững như gió, nhiên liệu sinh học và năng lượng mặt trời, khiến các nhà cung cấp khí đốt khó dự đoán nhu cầu thị trường hơn. Ví dụ, trong quý 3.2021, Anh đã tạo ra khoảng 38% điện năng từ các nguồn tái tạo, ít hơn so với năm 2020 do ít có gió hơn đáng kể.

Mặc dù vậy, phần lớn sản lượng điện của Anh vẫn là từ nhiên liệu hóa thạch. Và trong ít nhất 10 năm tới, khí đốt sẽ tiếp tục là một phần thiết yếu trong chính sách năng lượng của Anh.

Tiếp cận năng lượng tái tạo

Phần lớn nguồn cung của Anh đến từ các nguồn nội địa ở Biển Bắc, nhưng đã suy giảm kể từ đầu thế kỷ này. Một phần nguyên nhân của sự sụt giảm là do các mỏ dầu và khí đốt còn lại tương đối nhỏ và rải rác xung quanh Biển Bắc. Vì vậy, mỗi khi một nguồn cạn kiệt, nhà sản xuất cần đánh giá tiềm năng khai thác từ nguồn khác. Nhưng những nguồn này ngày càng trở nên khó tiếp cận hơn, tốn nhiều chi phí để khai thác hơn và do đó kém cạnh tranh hơn.

Là một phần của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc cấp giấy phép để mở các mỏ mới không còn được ủng hộ. Và vấn đề là Anh sẽ không thể tự cung cấp năng lượng tái tạo trong nhiều thập kỷ. 

Anh đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn nước ngoài, đặc biệt là Na Uy - quốc gia có trữ lượng khí đốt đáng kể và tương đối gần, giúp giảm chi phí vận tải.

Để bảo vệ lợi ích, các nhà sản xuất khí đốt trên thế giới được cho là đã chậm tăng sản lượng, để giữ giá cao, tối đa hóa lợi nhuận. (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC đã hạn chế nguồn cung dầu để duy trì mức giá).

Một vấn đề khác về nguồn cung liên quan đến giới hạn giá khí đốt do Chính phủ Anh áp đặt vào năm 2019. Điều này dẫn đến việc một số nhà cung cấp sụp đổ khi giá bán buôn khí đốt tăng cao hơn mức giá trần, làm giảm sự cạnh tranh trong ngành. Và mặc dù mức giá giới hạn đã được thương lượng lại trong năm nay lên một mức cao hơn, tình hình vẫn không mấy cải thiện.

Tất cả điều này đều cho thấy giá năng lượng ở Anh sẽ không giảm ngay trong nay mai, khi nhu cầu tiếp tục tăng. Mặc dù nó phụ thuộc vào cung và cầu quốc tế, những vấn đề hiện tại có thể tiếp tục trong tương lai gần. 

Tuy nhiên, về lâu dài vẫn có tia hy vọng khi chính phủ thúc đẩy việc sản xuất năng lượng tái tạo. Giá nhiên liệu hóa thạch cao hiện nay có thể và nên đóng vai trò là động lực để tăng cường đầu tư vào các nguồn tái tạo, điều này sẽ làm giảm các vấn đề về nguồn cung, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và giảm dần giá cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn