MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhân viên y tế lau nước mắt trong đêm tri ân các y bác sĩ ở New York hôm 30.4. Ảnh: AFP.

COVID-19 ngày 16.5: WHO cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Châu Âu

Lê Thanh Hà LDO | 16/05/2020 06:57

Theo số liệu của Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 16.5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 4,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 308.021 ca tử vong và 1.749.603 người hồi phục.

Tăng mạnh nhất số người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua vẫn là Mỹ với 24.323 ca, tiếp đó là Brazil với 15.305 ca và Nga với 10.598 ca. 

Tăng mạnh nhất số ca tử vong trong 24 giờ qua là Mỹ với 1.492 ca, Brazil 824 ca và Anh 384 ca.

Mỹ vẫn đang là nước đứng đầu thế giới với 1.481.916 ca mắc và 88.404 ca tử vong. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 274.367 ca mắc và 27.459 tử vong, Nga 262.843 ca mắc và 2.418 người tử vong.

WHO cảnh báo về làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 tại Châu Âu

Theo The Guardian, các nước Châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch bệnh vào mùa đông tới. Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo và nhấn mạnh đối với các quốc gia bắt đầu nới lỏng hạn chế chống dịch rằng “giờ là thời gian để chuẩn bị, không phải để ăn mừng”. Các nước nên tranh thủ thời gian hiện tại để tăng cường năng lực tại các bệnh viện và hệ thống y tế công.

“Tôi rất lo ngại về một đợt sóng kép có thể bắt đầu bùng phát vào mùa thu tại Châu Âu, chúng ta rất phải ứng phó với một đợt COVID-19 thứ hai và một đợt cúm hay dịch sởi theo mùa khác”, tiến sĩ nói.

CDC dự báo hơn 100.000 người Mỹ có thể chết vì COVID-19 tính đến 1.6

Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ có khả năng sẽ vượt quá 100.000 tính đến 1.6.

“CDC đã theo dõi 12 mô hình dự báo khác nhau về các trường hợp tử vong vì COVID-19 có thể xảy ra ở Mỹ. Tính đến 11.5, tất cả các mô hình này đều cho thấy số ca tử vong sẽ tiếp tục gia tăng và tổng cộng tích lũy sẽ vượt mốc 100.000 vào ngày 1.6”, Tiến sĩ cho hay.

Dự báo được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington sửa đổi mô hình đánh giá của viện – thường được Nhà Trắng trích dẫn - lên tới 147.000 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 4.8.

Mỹ vẫn đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 với hơn 1.481.800 ca mắc và hơn 88.390 người chết, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Trước việc nhiều bang tại Mỹ bắt đầu nới lỏng hạn chế, các chuyên gia không khỏi lo ngại điều này có thể sẽ dẫn tới 1 đợt bùng phát mới của virus SARS-CoV-2 tại Mỹ.

Hơn 1/4 số ca tử vong tại viện dưỡng lão ở Anh là do COVID-19

Theo CNN, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố dữ liệu chính thức cho thấy từ ngày 2.3 đến ngày 1.5, COVID-19 là nguyên nhân gây ra 27,3% tổng số ca tử vong tại các viện dưỡng lão ở Anh, trong đó, số bệnh nhân là nam giới tử vong nhiều hơn nữ.

ONS cũng cho biết thêm, trong những ngày từ 1.5 đến 12.5, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 thậm chí còn tăng cao hơn – chiếm tới 40% số người chết. Những con số thống kê này không khỏi khiến chính phủ Anh hứng nhiều lời chỉ trích trong việc kiểm soát dịch bệnh tại các viện dưỡng lão.

“Không thể phủ nhận rằng những gì đang xảy ra tại các viện dưỡng lão là cực kì đau đớn. Đây là một thách thức lớn và chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ nhiều nhất có thể đối với các đơn vị này", Bộ trưởng Cộng đồng Anh Robert Jenrick nói.

Dự kiến, tất cả những người tại các viện dưỡng lão, bao gồm cả nhân viên chăm sóc sẽ được xét nghiệm COVID-19 từ nay đến đầu tháng 6 dù có biểu hiện triệu chứng hay không, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết.

Tính đến sáng 16.5, Anh đã ghi nhận 236.711 ca mắc COVID-19 và 33.998 trường hợp tử vong.

Tâm dịch Lombardy tại Italia bắt đầu nới lỏng hạn chế

Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 tại Italia – Lombardy sẽ bắt đầu mở cửa trở lại các cửa hàng, nhà hàng và tiệm làm tóc kể từ 18.5, CNN đưa tin.

Theo dữ liệu của chính phủ Italia, khu vực miền bắc nước này cho đến nay đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trên cả nước với ítt nhất 34.242 trường hợp tính đến 15.5.

Thông báo này được đưa ra sau khi cuộc họp giữa Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề khu vực Francesco Boccia và các thống đốc khu vực đã đồng ý cho phép chính quyền các địa phương nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch.

Ngoài ra, Reuters dẫn tin cho hay Italia đang xem xét dỡ bỏ việc hạn chế đi lại trên toàn quốc từ ngày 3.6 trong nỗ lực thoát khỏi phong tỏa và hồi sinh nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề vì dịch bệnh. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được áp dụng tại nước này kể từ tháng 3 – thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn