MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

COVID-19 ở Đông Nam Á: Mối nguy từ những ca bệnh nhập cảnh trái phép và trốn cách ly

Thanh Hà LDO | 28/04/2021 08:55

Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Lào, Campuchia, Thái Lan - những quốc gia vốn được coi là khá an toàn và hiệu quả trong đợt dịch bùng phát đầu tiên. Các chuyên gia cũng xác định những nguyên nhân khiến cả 3 nước phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm mới với "điểm chung" là mối nguy từ các ca bệnh nhập cảnh trái phép và trốn cách ly.

Rút ra bài học, ngăn chặn nguy cơ

“Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20.2” - nguồn cơn của đợt dịch lần này ở Campuchia, bắt đầu từ việc 4 người Trung Quốc mắc COVID-19 trốn cách ly khỏi khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Penh và đi tới nhiều địa điểm, làm nhiều người bị lây nhiễm.

Trong khi đó, đợt dịch mới ở Lào xuất phát từ các trường hợp nhập cảnh trái phép từ Thái Lan sang Lào. Các ca lây nhiễm mới tại Lào đều có liên quan đến bệnh nhân số 59 ở thủ đô Vientiane. Bệnh nhân số 59 này đã tiếp xúc với 2 người Thái Lan nhập cảnh bất hợp pháp vào Lào từ ngày 6.4 và đưa họ đi chơi rất nhiều địa điểm đông người ở Vientiane trong dịp trước và trong Tết Boun Pi May (từ ngày 14-16.4).

Chỉ sau 6 ngày kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 59, thủ đô Vientiane đã thêm 242 ca lây nhiễm mới, chiếm 92% số ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận trên khắp cả nước Lào trong làn sóng dịch thứ hai. Tất cả các ca nhiễm đều liên quan đến các ổ dịch ở thủ đô Vientiane, nơi bệnh nhân số 59 và nhóm bạn đã lui tới.

Làn sóng dịch mới ở các nước Đông Nam Á cũng liên quan tới việc người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội khi tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt trong những đợt lễ tết.

Khi Chính phủ Thái Lan cho phép tổ chức đón Tết cổ truyền Songkran 2021, việc nhiều người tới các quán bar, các tụ điểm vui chơi ban đêm hay đi du lịch hoặc về quê thăm người thân càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Ước tính khoảng 40% các ca nhiễm mới trong tháng 4 tại thủ đô Bangkok có liên quan đến các quán bar hay địa điểm vui chơi ban đêm, còn ở các tỉnh khác con số này là khoảng 25%.

Tâm lý chủ quan này được cho xuất phát từ việc cả Campuchia, Lào và Thái Lan đều là những nước đã kiểm soát khá hiệu quả làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên diện rộng ở Lào, Campuchia và Thái Lan, cũng như việc một loạt quốc gia trong khu vực hơn 1 năm nay vẫn đang "gồng mình" ứng phó với tốc độ lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 cho thấy COVID-19 tiếp tục là một thách thức lớn đối với khu vực Đông Nam Á.

Tình hình dịch COVID-19 trong khu vực diễn biến hết sức phức tạp khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Có nhiều yếu tố khiến COVID-19 có nguy cơ cao xâm nhập Việt Nam qua hình thức nhập cảnh trái phép. Cộng đồng người Việt đang làm ăn, học tập và sinh sống tại Lào, Campuchia, Thái Lan lên tới hàng chục nghìn người. Việt Nam có đường biên giới dài hơn 2.300km với Lào, có biên giới trên cả đường bộ lẫn đường biển với Campuchia...

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước trên vừa tích cực hỗ trợ bà con kiều bào chống dịch cũng như khuyến cáo bà con người không tự ý xuất/nhập cảnh trái phép làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, đề nghị công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước đăng ký với Đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán để được hỗ trợ.

Tin tưởng vào tiêm chủng

Một năm sau làn sóng COVID-19 đầu tiên, hoạt động tiêm chủng đang được triển khai ở tất cả các nước trong khu vực. Trong nỗ lực tiêm chủng của Đông Nam Á, quốc gia cuối cùng, Timor Leste, bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngày 7.4.

Người dân ở một số quốc gia nhìn nhận đất nước xử lý tốt đại dịch COVID-19 hoặc triển khai tốt tiêm chủng, như Singapore và Việt Nam, dường như hài lòng hơn với chính quyền và lạc quan hơn về tương lai, theo một số khảo sát toàn cầu.

Trong số năm quốc gia ASEAN được YouGov khảo sát tính đến giữa tháng 3, Việt Nam có tỉ lệ cao nhất - 91% những người được hỏi nhận thấy chính phủ đang xử lý tốt đại dịch. Con số này là 88% ở Singapore, 72% ở Malaysia, 69% ở Indonesia và thấp nhất là 58% ở Philippines.

Các quốc gia Đông Nam Á đang triển khai các bước khác nhau để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng COVID-19 từ 60% trở lên. Các quốc gia trong khu vực cũng sử dụng các loại vaccine khác nhau, trong đó vaccine AstraZeneca được bật đèn xanh sử dụng ở 7 quốc gia ASEAN - Brunei, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Timor Leste.

Singapore đang dẫn đầu ở Đông Nam Á với tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ là 9,16% trong số 5,8 triệu dân. Tiếp theo, Indonesia có tỉ lệ tiêm chủng là 2,03%, Campuchia là 1,79%, Malaysia là 1,31%, Philippines là 0,15% và Thái Lan là 0,12%, tính đến ngày 16.4.

Mức độ sẵn sàng tiêm vaccine của người Đông Nam Á nhìn chung vẫn ở mức cao dù có những quan điểm khác nhau. Trong số 7 quốc gia Đông Nam Á được YouGov theo dõi, tỉ lệ dân số sẵn sàng tiêm vaccine dao động từ 50% (Philippines) đến 85% (Việt Nam).

Kết quả khảo sát của Ipsos cho thấy, trung bình 62% người được hỏi ở 6 nước ASEAN tin rằng hơn một nửa dân số đất nước sẽ được tiêm chủng trong năm nay. Singapore có nhiều người được hỏi nhất (68%) tin rằng 50% dân số đất nước sẽ tiêm chủng trong năm 2021. Nhưng chỉ một nửa số người Philippines được hỏi có cùng suy nghĩ này. Đây là tỉ lệ phần trăm thấp nhất trong số 6 quốc gia trong nhóm khảo sát của Ipsos. Philippines là đất nước có xếp hạng kém hài lòng với chính phủ và mức độ sẵn sàng tiêm vaccine thấp nhất trong khảo sát của YouGov.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn