MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

COVID-19 thế giới ngày 18.4: Hơn 150.000 ca tử vong

Lê Thanh Hà LDO | 18/04/2020 06:54

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 toàn cầu vượt mốc 150.000, gần 100.000 công dân thuộc Liên minh Châu Âu vẫn mắc kẹt ở nước ngoài, Đức tuyên bố đã kiểm soát được dịch... là những tin đáng chú ý trong sáng 18.4.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc hơn 2,2 triệu ca, ở con số 2.247.659, trong đó có 154.086 ca tử vong, theo số liệu của Worldometers tính đến 6h ngày 18.4 (giờ Việt Nam).

Mỹ vẫn đang là nước đứng đầu thế giới với hơn 708.800 ca mắc và gần 38.000 ca tử vong. Tiếp theo là Tây Ban Nha với hơn 190.800 ca mắc và hơn 20.000 ca tử vong, Italia ghi nhận hơn 172.400 ca và hơn 22.700 người tử vong, Pháp có gần 148.000 ca và 18.681 người chết.

Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới vượt mốc 150.000

Theo Reuters, số ca tử vong trên toàn thế giới vì dịch COVID-19 đã vượt mốc 150.000. Ca tử vong đầu tiên xảy ra tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 9.1. Con số này đã tăng lên 50.000 sau 83 ngày nhưng chỉ 8 ngày sau đó đã tăng lên 100.000 ca và 8 ngày tiếp nối tăng lên 150.000.

Con số này vẫn “cách khá xa” so với đại dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu từ năm 1918 và ước tính đã giết chết hơn 20 triệu người vào thời điểm bùng phát vào năm 1920.

Virus SARS-CoV-2 được cho là đã xuất hiện ở 1 khu chợ thuộc Vũ Hán. Giới khoa học cho hay vẫn còn nhiều điều phải xác định, bao gồm cả việc loại virus này gây ra sự "chết chóc" đến mức nào.

Gần 100.000 công dân Liên minh Châu Âu vẫn mắc kẹt ở nước ngoài

Theo số liệu công bố mới nhất của Ủy ban Châu Âu, có hơn 98.900 công dân các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đang mắc kẹt ở nước ngoài vì ảnh hưởng do các lệnh hạn chế chống dịch COVID-19. Con số này được thống kê rơi vào khoảng 600.000 người ở thời điểm mới bùng phát dịch.

Ủy ban Châu Âu cho biết EU đã giúp mang hơn nửa triệu người hồi hương, chủ yếu thông qua hợp tác lãnh sự. Khoảng 45.000 công dân EU cũng đã được trở về quê hương thông qua gần 200 chuyến bay do EU tài trợ.

Đức là 1 trong những quốc gia tổ chức nhiều chuyến bay hồi hương nhất với 101 chuyến với sự hỗ trợ của EU. Nước này đã đưa về tổng cộng 21.815 công dân kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Đức tuyên bố đã “kiểm soát” được dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn cho hay dịch COVID-19 tại nước này đã được kiểm soát nhờ các biện pháp hạn chế được áp dụng ngay sau khi xuất hiện sự gia tăng số ca mắc bệnh. “Đến nay số lượng các ca nhiễm mới đã giảm đáng kể, đặc biệt là số ca mới thống kê mỗi ngày”, Bộ trưởng cho biết.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Đức đang chuẩn bị thực hiện các bước đầu tiên trong việc nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 với quyết định cho phép một số cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại từ 20.4 và học sinh sẽ đi học lại từ 4.5. Tuy nhiên, cách ly xã hội vẫn sẽ được áp dụng bao gồm cả lệnh cấm tụ tập nhiều hơn 2 người tại nơi công cộng và cấm tổ chức các sự kiện lớn.

Viện Robert Koch (RKI) của Đức trước đó đã công bố dữ liệu cho thấy tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã giảm xuống mức 0,7%, đồng nghĩa với việc 1 người nhiễm virus lây truyền cho chưa đến một người. Tính đến sáng 18.4, tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Đức đang ở mức 139.702 ca và 4.203 người đã tử vong.

Có thể nói đây là 1 chỉ số quan trọng đối với các nhà lãnh đạo để trả lời câu hỏi khi thời điểm nào nên nới lỏng và dỡ bỏ các hạn chế chống dịch để khôi phục nền kinh tế đang bị đình trệ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

New York tiếp tục ghi nhận chiều hướng giảm số ca nhập viện vì COVID-19

Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo cho biết số ca nhập viện vì COVID-19 tại bang này một lần tiếp tục ghi nhận chiều hướng giảm trong 24 giờ qua, đồng thời, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục và được xuất viện. Tuy nhiên, số người chết vì COVID-19 hàng ngày ở New York vẫn ở mức cao và đang có chiều hướng “ổn định” với mức dao động khoảng 600 ca.

Thống đốc cũng cho hay giới chức bang đang có mong muốn mở cửa trở lại, ngay cả khi tốc độ lây nhiễm vẫn là vấn đề rất cần được lưu tâm: "Tình hình hiện tại rất "mong manh" vì mọi người không thể ở nhà vô thời hạn".

Bên cạnh đó, các bang đang yêu cầu cứu trợ kinh tế trị giá 500 tỉ USD, tuy nhiên, Thống đốc Cuomo chưa rõ bao nhiêu trong số này sẽ dành cho New York – bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 tại Mỹ.

Chuyên gia cảnh báo 40.000 người Anh có thể tử vong vì đại dịch

Giáo sư Anthony Costello thuộc Viện Sức khỏe Toàn cầu UCL, London (Anh) đã lên tiếng cảnh báo chính phủ đã ứng phó với đại dịch COVID-19 theo 1 cách chậm trễ và hơn 40.000 người nước này có thể tử vong vì virus SARS-CoV-2. Anh có số người chết chính thức cao thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Italia, Tây Ban Nha và Pháp.

Tính đến sáng 18.4, Anh đã ghi nhận 14.576 người đã chết vì COVID-19. Tuy nhiên, số liệu chính thức về số người chết thực sự có thể còn lớn hơn nhiều do nước này chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện.

Trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, trước đó 1 ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, người đang tạm thời thay thế Thủ tướng Boris Johnson đã tuyên bố nước này sẽ tiếp tục phong tỏa thêm ít nhất 3 tuần tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn