MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump phát biểu về tình hình Iran-Iraq tại Nhà Trắng hôm 8.1. Ảnh: UPI

Cùng lùi bước khỏi miệng hố chiến tranh

Thanh Hà LDO | 10/01/2020 13:30

Sau cuộc tập kích tên lửa vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq ngày 8.1, cả Mỹ và Iran đều phát đi thông điệp cho thấy hành động quân sự đã xong, giúp dỡ bỏ mối lo ngại về nguy cơ chiến tranh quy mô lớn nổ ra ở Trung Đông.

Tránh được nguy cơ chiến sự

Diễn biến những ngày qua cho thấy cả hai bên đã truyền đạt được thông điệp về ý định của họ, thông qua khẩu chiến công khai và kênh ngoại giao Thụy Sĩ, để tránh tính toán sai lầm có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh.

Những nguồn tin từ chính quyền Tổng thống Donald Trump tiết lộ hôm 8.1, Iran gửi tín hiệu qua các nhà ngoại giao Iraq và Thụy Sĩ là các cuộc tấn công tên lửa không nhằm mục tiêu giết hại công dân Mỹ. Trên thực tế, cũng không có thương vong trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq hôm 8.1.

Mở đầu bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã phát đi tín hiệu rằng hành động quân sự đã xong và hiện là lúc thực hiện các biện pháp trừng phạt mới với Iran. “Iran dường như đã xuống nước, đó là điều tốt cho tất cả các bên liên quan và là điều rất tốt cho thế giới” - ông Donald Trump nói.

Cây viết Stephen Collinson của hãng tin Mỹ cho rằng, hai bên đã có những động thái “lùi bước khỏi miệng hố chiến tranh” với những hy vọng về một tiến trình ngoại giao mới nhưng có nhiều khả năng Mỹ - Iran sẽ trở lại trạng thái căm ghét lẫn nhau như 40 năm qua.

“Tôi nghĩ là bất cứ ai nói rằng việc này đã xong và việc trả thù hiện đã ngừng lại, chúng ta có thể đưa ra đánh giá dựa trên những gì hiện có. Điều đó rất không chắc chắn. Câu chuyện còn lâu mới kết thúc” - Susan Hennessey - cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nhận định.

Ngưỡng mới cho đối đầu Mỹ - Iran

Dù cuộc đối đầu Mỹ - Iran không tiếp tục leo thang thêm nhưng gần như chắc chắn sẽ chuyển sang giai đoạn mới, CNN nhận định. Điều này là bởi các cấu trúc của xung đột và việc mất kết nối ngoại giao giữa nhà nước cộng hòa Hồi giáo và chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Về mặt chiến lược hơn, ông Donald Trump có thể đã thiết lập một nguyên tắc có thể có ý nghĩa trong căng thẳng Mỹ - Iran trong tương lai. Việc ám sát tướng Qasem Soleimani - người đứng sau mạng lưới dân quân đồng minh như Hezbollah, là tín hiệu cho thấy Washington hiện xem các hoạt động ủy nhiệm của Iran trong khu vực là căn cứ cho hành động quân sự, một giới hạn mới cho sự đối đầu.

“Các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã tiến hành cuộc tấn công trực tiếp, trực tiếp nhắm vào Đại sứ quán Mỹ, vùng đất có chủ quyền của Mỹ. Tổng thống hiện tại, không giống những người tiền nhiệm, quyết định nói: “Mỹ sẽ không còn cho phép Iran tấn công Mỹ thông qua các lực lượng ủy nhiệm” - ông David Urban - Cố vấn chính trị cao cấp của ông Donald Trump nói.

Trước vụ tấn công bằng máy bay không người lái hạ sát tướng Qasem Solameini, ngày 27.12.2019, một nhà thầu quân sự Mỹ bị giết trong cuộc tấn công bằng vào khu quân sự Iraq gần thành phố Kirkuk, Iraq. Mỹ đổ lỗi cho các tay súng do Iran bảo trợ gây ra vụ tấn công.

Về phần mình, Iran cũng đã truyền đi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nã tên lửa từ lãnh thổ nước này vào binh sĩ Mỹ, vượt qua giới hạn mới trong cuộc đụng độ với Mỹ. Hãng tin của Mỹ cho hay, vụ tấn công khiến các nước láng giềng Iran là đồng minh của Mỹ lưu ý rằng, tên lửa của Iran có thể tấn công các mục tiêu như các căn cứ, sân bay và các đô thị có nhiều dân thường và vào những lần tới, nếu có, những địa điểm kể trên có thể là mục tiêu. Thêm vào đó, tang lễ của tướng Soleimani, là hình ảnh cho thế giới thấy về sự thống nhất, đoàn kết trong nước trong bối cảnh đất nước đang chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chính quyền ông Donald Trump tái áp đặt sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn