MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu dầu khí đốt của Nga tiếp tục tăng trưởng với các thị trường lớn nhất ở châu Á. Ảnh: Gazprom Neft

Cuộc chiến trừng phạt Nga của phương Tây đi vào ngõ cụt

Ngọc Vân LDO | 21/07/2024 18:48

Nga vẫn sống khỏe nhờ nguồn thu từ dầu khí bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây.

Tạp chí Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) cho hay, xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga tiếp tục tăng trưởng ở các thị trường lớn nhất ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngay cả châu Âu - nơi phần lớn đã từ bỏ khí đốt Nga kể từ xung đột Ukraina - cũng đang âm thầm mua thêm rất nhiều khí đốt từ quốc gia bị trừng phạt này.

Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga trước chiến sự Ukraina là khoảng 1,1 tỉ USD mỗi ngày và toàn bộ các lệnh trừng phạt đã khiến con số đó giảm xuống còn khoảng 720 triệu USD vào tháng 6 năm nay - nhưng mức này vẫn ổn định đáng kể trong 18 tháng qua.

Nga vừa ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai hiếm hoi trong tháng trước, một dấu hiệu cho thấy, xuất khẩu tăng trưởng. Cuộc chiến trừng phạt Nga của phương Tây dường như đã đi vào ngõ cụt, theo Foreign Policy.

“Cái ly không đầy một nửa cũng không vơi một nửa. Các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả nhưng không tốt như mong đợi” - ông Petras Katinas, nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), cho biết.

Một số khía cạnh trong xuất khẩu năng lượng của Nga đã rơi vào vực thẳm, chẳng hạn như xuất khẩu khí đốt qua đường ống gần như đã biến mất khỏi thị trường châu Âu béo bở.

Nhưng xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga - chiếm phần lớn nhất trong doanh thu của nước này - về cơ bản vẫn giữ nguyên sau cú sốc ban đầu trong những tháng đầu tiên sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng. Doanh thu của Nga thậm chí còn tăng cao hơn nhờ giá dầu tăng trên toàn cầu.

Nhằm hạn chế doanh thu từ năng lượng của Nga, phương Tây đã áp giá trần với dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng. Ban đầu, mức trần giá có tác dụng tốt, cho đến khi Nga - với sự giúp đỡ từ những người bạn trong OPEC - đã đẩy giá dầu toàn cầu lên cao hơn, kéo giá dầu của Nga cũng lên trên mức trần.

Các bể chứa dầu của Gazprom Neft ở Tây Siberia, Nga. Ảnh: Gazprom Neft

Quan trọng hơn, Nga đã tìm ra cách đáng tin cậy để vượt qua trừng phạt với xuất khẩu dầu thô của mình bằng cách sử dụng một "đội tàu bóng đêm” để không phải tuân theo các hạn chế của phương Tây về bảo hiểm, an toàn và những yêu cầu tương tự.

Ông Katinas cho hay, khoảng 4 trong số 5 thùng dầu thô đường biển mà Nga bán hiện được vận chuyển trên các tàu chở dầu “bóng đêm”, nghĩa là chúng hoàn toàn nằm ngoài tầm với của các biện pháp trừng phạt. Ông Katinas nói: “Chiến lược thì tốt, nhưng chiến thuật thì kém, thành ra khó thực thi trừng phạt”.

Mỹ đã đôi lần trấn áp một phần hoạt động thương mại đó - vào cuối năm ngoái đối với các tàu chở dầu “bóng đêm” và đầu năm nay đối với các tàu thuộc sở hữu nhà nước của Nga - bằng cách trừng phạt các tàu chở dầu riêng lẻ.

CREA ước tính rằng, việc thực thi chặt chẽ hơn có thể khiến Nga mất khoảng 5% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ kể từ tháng 10.2023. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đảm bảo thực thi triệt để các hạn chế hiện có đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga. CREA ước tính, việc thực thi đầy đủ sẽ khiến Nga thiệt hại khoảng gần 22 tỉ USD.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực thắt chặt các rào cản đối với hạm đội tàu “bóng đêm”, nhưng họ cũng lo ngại rằng các biện pháp chặt chẽ hơn có thể khiến giá xăng dầu tăng cao đúng thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 vào tháng 11 tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn