MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh ghép của The Daily Beast.

"Cuộc chơi nguy hiểm" của Tổng thống Putin với Triều Tiên

Vân Anh LDO | 22/08/2017 19:30
Trong khi cả thế giới đang quan tâm tới việc ai là người có thể cung cấp động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa cho Triều Tiên, thì Tổng thống Vladimir Putin nhìn thấy cơ hội để trở thành "trung gian hoà giải".

Giữa căng thẳng Mỹ-Triều, Nga hy vọng có thể đóng một vai trò quan trọng của người hoà giải. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gần đây tuyên bố, Nga "có khả năng hoà giải" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phân tích về tuyên bố này, ông Dmitry Solonnikov - Giám đốc Viện Phát triển Nhà nước hiện đại - nói với tờ Economy Today: "Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị một loạt giải pháp tích cực cho Bộ Ngoại giao Nga và Mỹ". Ông cho rằng, khi gói giải pháp đó "được giới thiệu tới Mỹ, báo giới và cộng đồng quốc tế", thì nó sẽ "thể hiện sự hợp tác xây dựng" giữa hai bên.

Kể từ năm 2000 khi ông Putin trở thành Tổng thống, Nga và Triều Tiên đã có "tình hữu nghị, quan hệ láng giềng và hợp tác tốt đẹp". Hai nước có chung đường biên giới phía tây nam Vladivostock dài 11 dặm.

Trước đây, dù Liên Hợp Quốc dự định trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa, song Nga liên tục phản đối và phủ quyết.

Nhưng đến tháng 5 năm nay, Tổng thống Putin thừa nhận, tên lửa mà Triều Tiên phóng đi "rất nguy hiểm". Dù vậy, ông Putin khẳng định, "chúng ta cần ngừng đe doạ Triều Tiên và tìm kiếm một giải pháp hoà bình".

Từ đó, Bình Nhưỡng đã có bước đột phá lớn. Giữa tháng 5, Triều Tiên tuyên bố phóng thử tên lửa nhiên liệu lỏng Hoả Tinh 12, có khả năng bắn đến Guam và xa hơn nữa.

Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, ngày 4.7, Triều Tiên phóng tên lửa hai giai đoạn Hoả Tinh 14, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thực thụ có khả năng bắn tới Alaska. Tiếp tục ngày 28.7, Bình Nhưỡng phóng thành công ICBM thứ hai, có tầm bắn đến lục địa Mỹ.

Vậy Triều Tiên làm cách nào có thể chế tạo ICBM nhanh như vậy? Các chuyên gia quốc tế kết luận rằng, động cơ tên lửa Triều Tiên có nguồn gốc từ gia đình tên lửa RD-250 của Liên Xô cũ, nhưng không rõ Bình Nhưỡng mua toàn bộ, chế tạo từ linh kiện mua được, hay chế tạo mới từ đầu.

Ngược trở lại những năm 1960, Liên Xô từ chối giúp Triều Tiên xây dựng vũ khí hạt nhân, nhưng ủng hộ chương trình năng lượng hạt nhân hoà bình của Bình Nhưỡng.

Ngày nay, cả Nga và Ukraina đều phủ nhận từng giúp Triều Tiên chế tạo phiên bản của động cơ RD-250. Giới chức Ukraina gọi cáo buộc là "sự khiêu khích" của mật vụ Nga, nhưng tuần trước, Tổng thống Petro Poroshenko đã ra lệnh điều tra.

Hôm 18.8, tập đoàn Roscosmos của Nga phủ nhận việc Nga có bất cứ hợp tác nào với quân đội Triều Tiên về công nghệ tên lửa, vì điều đó vi phạm luật pháp Nga.

Trong khi đó, tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể tự chế tạo động cơ ICBM mà không cần sự giúp đỡ của Nga hoặc Ukraina.

Dù như vậy, tờ The Daily Beast nhận định, nguồn gốc động cơ tên lửa ICBM có thể trở thành "cuộc chơi nguy hiểm" của ông Putin với Triều Tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn