MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 thống nhất cùng nhau đưa ra gói tài chính 5.000 tỉ USD để chống dịch bệnh. Ảnh chụp màn hình

Cuộc giải cứu quy mô lớn

Ngạc Ngư LDO | 30/03/2020 14:22

Dịch bệnh COVID-19 đang làm cả thế giới thay đổi nhanh chóng như chưa từng thấy kể từ rất nhiều thập kỷ trở lại đây. Bên cạnh những biện pháp chính sách rất quyết liệt - và ở mức độ như hiện tại cũng thường chưa từng thấy trên thế giới - chính phủ nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng trung ương và các thể chế tài chính và tiền tệ khác trên thế giới đều đã có những chương trình tài chính tín dụng quy mô rất lớn, ở nhiều nơi lớn tới mức chưa từng thấy.

Những khoản tiền lớn này được đưa ra sử dụng nhằm các mục tiêu như hậu thuẫn hệ thống y tế chạy chữa bệnh nhân và chi trả phúc lợi xã hội, giúp các doanh nghiệp không bị phá sản, trả bảo hiểm thất nghiệp... Phần lớn trong những chương trình tài chính và tín dụng này được chủ ý nhằm vào giải cứu nền kinh tế, hậu thuẫn để doanh nghiệp không bị phá sản bởi dịch bệnh, giúp doanh nghiệp cầm cự cả về sản xuất kinh doanh lẫn nhân công qua thời kỳ dịch bệnh, cũng như có kế hoạch phát triển về lâu dài ở thời kỳ sau dịch bệnh.

Về phương diện tiền tệ, đáng chú ý là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất cơ bản xuống còn chỉ có 0,25%, rất thấp, thấp đến mức đã bắt đầu có thể coi đấy là “thấp đến mức chẳng khác gì bằng 0”. Biện pháp chính sách này của FED đi cùng với việc Mỹ thông qua gói tài chính 2.000 tỉ USD để vừa chống dịch bệnh vừa trợ giúp nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tung ra chương trình tín dụng 750 tỉ Euro (836 tỉ USD). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng có chương trình tín dụng tương tự. Ở hội nghị trực tuyến vừa qua của Nhóm G20, các nước tham dự đã nhất trí cùng nhau đưa ra gói tài chính 5.000 tỉ USD để chống dịch bệnh và phục hồi, kích cầu tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh này.

Trên bình diện quốc gia, nhiều nước cũng có chương trình tài chính nhằm hai mục đích trên. Chương trình tài chính của Đức là 1.200 tỉ Euro (1.330 tỉ USD), Nhật Bản có quy mô 512 tỉ USD, của Anh là 464 tỉ USD, của Italia cũng được 419 tỉ USD, của Pháp là 384 tỉ USD, của Tây Ban Nha là 223 tỉ USD, của Trung Quốc 72 tỉ USD, của Ấn Độ là 23 tỉ USD, của Nga là 4 tỉ USD.

Qua đấy có thể rút ra được hai nhận thức chung. Thứ nhất là các nước đều thấy hoặc ít nhất cho rằng tác động của dịch bệnh này vô cùng tai hại tới nhịp độ tăng trưởng của kinh tế và thương mại quốc gia cũng như quốc tế, và phải có chương trình tài chính như thế thì mới vừa giảm thiểu được tác động tiêu cực, vừa tạo tiền đề cho phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và thương mại ở thời sau dịch bệnh. Thứ hai là các nơi đều muốn có tác động tâm lý của các gói tài chính và biện pháp chính sách tài chính ngay từ khi chưa biết đến khi nào mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh, tới cả giới kinh tế lẫn người tiêu dùng.

Dịch bệnh hoành hành vởi mức độ khác nhau ở mọi nơi khác nhau nhưng thế giới bây giờ đã có được nhận thức chung coi nó là kẻ thù chung, và đã ý thức được rằng các nước phải xích lại gần nhau hơn trong thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để đối phó và đẩy lùi dịch bệnh, cũng như để tái thiết thế giới sau dịch bệnh.

Những con số nêu trên thật ấn tượng. Nhưng hiệu quả thực tế của các chương trình tài chính và tiền tệ này rồi đây đến đâu lại là chuyện khác. Có ba lý do. Thứ nhất, hiện không biết đến khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Thứ hai, các quốc gia thực thi các chương trình tài chính và tiền tệ này rất khác nhau. Và thứ ba là bản thân việc tung ra khoản tiền lớn như vậy sẽ gây ra cho chính quốc gia ấy không ít hậu quả và hệ luỵ trên nhiều phương diện mà họ không dễ dàng khắc phục được. Cái gì cũng đều có giá của nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn